Hỏi đáp - Cây Sầu riêng
Hỏi: Sầu riêng giống khổ qua xanh trồng đã 8 năm, có trái được
4 năm, không hiểu tại sao cứ vào tháng 11, 12 và tháng 1 âm lịch hàng năm cây bị
cháy chót lá rồi rụng gần hết trong khi vào tháng 7, 8, 9 âm lịch cây ra lá xanh
tốt trở lại bình thường, chính vì vậy mà vườn sầu riêng phát triển kém và năng
suất rất thấp. Xin cho biết đây là bệnh gì và cách khắc
phục?
Đáp: Triệu chứng này là bệnh thán thư do nấm
Collectotrichum zibethinum gây ra. Bệnh gây hại khá phổ biến trên cây sầu riêng
ở mọi lứa tuổi. Ở giai đoạn vườn ươm hoặc cây con mới trồng, bệnh làm rụng lá
cây con kém phát triển, nếu bệnh nặng có thể rụng toàn bộ lá dẫn đến khô ngọn và
chết cả cây. Ở cây lớn, bệnh cũng gây thiệt hại chủ yếu là trên bộ lá, đôi khi
gây hiện tượng khô chết các cành nhỏ, cây kém phát triển suy yếu dần, hoa thưa
quả ít nhưng ít khi gây chết cả cây.
Trên lá vết bệnh thường bắt đầu từ
mép lá hay chót lá lan dần vào trong, có dạng gần tròn hay bất định. Vết bệnh có
màu nâu đỏ, nhìn kỹ thấy có những đường gợn sóng màu nâu đậm gần như đồng tâm.
Về sau màu sắc nhạt dần trên đó có các ổ bào tử nấm màu đen nhỏ như đầu kim, lá
khô cháy từng phần và rụng sớm
Hỏi: Vào tháng 7, 8, 9 âm lịch cây lá phát
triển xanh tốt bình thường nhưng vào mùa nắng (đặc biệt là tháng 11, 12, 1 âm
lịch cây bị cháy lá rất nặng. Hiện tượng này lặp lại gần như hàng năm nhất là từ
khi cây bắt đầu cho trái. Xin cho biết tại sao có hiện tượng này
?
Đáp: Có thể tóm tắt diễn biến của bệnh thán thư trên
cây sầu riêng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây như sau: Khi cây bắt đầu
ra hoa (thường vào khoảng tháng 11 âm lịch) cũng là thời điểm bắt đầu mùa khô,
đuôi lá bị cháy từ chót lá vào, đến lúc mang trái, lá đã cháy từ 1/4 đến 1/2
diện tích phiến lá, khi trái ở giai đoạn lớn, bệnh càng nặng và nặng nhất là
giai đoạn sắp sửa thu hoạch.
Điều này có thể giải thích như sau: ở giai đoạn này, cây cần
tập trung dinh dưỡng và nước để nuôi trái, nếu hai nhu cầu trên không được đáp
ứng đầy đủ (đặc biệt trên những vùng đất xấu, đất gò cao), cây bị suy yếu và dĩ
nhiên đó là điều kiện tốt cho bệnh phát triển. Giống sầu riêng khổ qua xanh tỏ
ra nhiễm bệnh nặng hơn các giống khác có thể do đặc tính của giống này có khả
năng đậu trái nhiều nên cây cũng dễ suy yếu hơn. Sau vụ thu hoạch (khoảng tháng
4 - 5 âm lịch), mưa đã đều và do nông dân bón phân bồi dưỡng cây sau thu hoạch,
thì bệnh cũng giảm dần có khi không còn thấy xuất hiện lá bệnh nữa dù không hề
xử lý thuốc. Việc chăm sóc cho cây phát triển tốt có tác dụng hạn chế bệnh rõ
rệt.
Cụ thể là: Bón phân cân đối (nên bón nhiều phân hữu cơ) bồi đắp
gốc hàng năm, tỉa cành thu gom và đốt sau thu hoạch. Tạo điều kiện cho vườn cây
thông thoáng, thoát nước tốt nhưng phải cung cấp đủ nước vào mùa khô.
Khi phát hiện bệnh, cần kịp thời phun các loại thuốc như
Carbenzim, Vithi-M, Manozeb, Bendazol, Score … hoặc các thuốc gốc đồng như
Viben-C, Funguran, COC... kết hợp dọn sạch các lá bị bệnh nặng hoặc lá rụng đem
đốt.
KS. Nguyễn Mạnh Chinh-TTKN |