Lâm Đồng: vì sao dự án trồng xen cây sầu riêng thất bại?
Trong những ngày gần đây, dư luận ở Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến diện tích cây sầu riêng bị chết hàng loạt. Diện tích sầu riêng này lại nằm trong chương trình hợp tác trồng cây ăn quả chất lượng cao giữa nhà nông Lâm Đồng và Công ty Phát triển Công nghệ sinh học (thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia).
Năm 2001 là năm đầu tiên Công ty Phát triển Công nghệ sinh học (DONA-TECHNO) tiến hành ký kết hợp đồng với nông dân Lâm Đồng trồng cây sầu riêng giống DONA-SR1 – giống sầu riêng mới chất lượng cao. Vùng đất mà Công ty chọn để trồng là huyện Di Linh và cách trồng chủ yếu là trồng xen trong cây cà phê với số lượng 100 cây sầu riêng/ha cà phê. Từ đó đến nay đã có 510ha sầu riêng được trồng xen theo kiểu này.
Điểm đáng lưu ý đầu tiên là trước khi đặt cây giống xuống đất, DONA-TECHNO đã trực tiếp cử cán bộ chuyên môn đến tận nơi để nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng các điều kiện và sau đó đưa ra quyết định đầu tư đồng thời với việc ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, tập huấn kỹ thuật, ký kết hợp đồng kinh tế... Thời hạn đầu tư là 6 năm, tiền cây giống và vật tư (máy bơm, giếng đào...) được Công ty cho ứng trước với lãi suất 0,7%/tháng; sau 4 năm, cây sầu riêng cho quả; cuối năm thứ 5, Công ty thu lãi 50%, đến cuối năm thứ 6 thì nông dân thanh toán xong nợ cho Công ty.
Viễn cảnh là như thế, song đến lúc này (trung tuần tháng 9/2005), sau 4 năm trồng, 90% diện tích sầu riêng đã bị chết. Khách quan mà nhìn nhận thì vừa qua, Lâm Đồng đã trải qua một kỳ đại hạn; tiếp theo sau kỳ đại hạn là những trận mưa lớn kéo dài gây ngập úng nhiều vùng trong cả tỉnh (trong những ngày đầu tháng 9). Rất có thể đây là một trong những nguyên nhân làm cho diện tích cây sầu riêng ở Lâm Đồng chết hàng loạt. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân thì đây chưa phải là tất cả.
Ông Lê Văn Tòng, một trong những nông dân có kinh nghiệm làm vườn ở thị trấn Di Linh có 15ha cà phê tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh) đã ký hợp đồng trồng 300 cây sầu riêng Moon thoong (tên Thái Lan của giống DONA-SR1) vào năm 2001, đến nay chỉ còn lại 15 cây. Điều đáng lưu ý là vườn cây của ông Tòng có đầy đủ hệ thống thuỷ lợi để chống hạn vào mùa khô và tiêu thoát vào mùa lụt. Ông còn là người có tay nghề trồng trọt khá, nổi tiếng trong vùng. Tương tự, hộ ông K’Broi – một trong những người dân tộc thiểu số ở xã Gung Ré (Di Linh) – nhận trồng cho DONA-TECHNO 50 cây sầu riêng, nay cũng chỉ còn không đến 10 cây.
Ở Di Linh, Đinh Trang Hòa là địa phương nhận trồng sầu riêng theo chương trình này với diện tích cao nhất, 172ha trong tổng số trên 500ha. Ông K’Dấu, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: "Bà con trong xã đã 2 lần trồng dặm nhưng đến nay diện tích sầu riêng của chương trình DONA-TECHNO cũng chỉ sống sót trên dưới 50%, đặc biệt là tỷ lệ này còn biến động theo chiều hướng xấu (sầu riêng sẽ còn tiếp tục chết)". Còn theo ông Lã Quang Thạnh – Chủ tịch UBND xã Hòa Trung thì cả xã đã trồng được gần 50ha nhưng hiện nay chỉ còn lại không quá 5ha.
Nghiêm trọng hơn, tỷ lệ sầu riêng chết ở một số địa phương khác như ở xã Gia Hiệp lên đến 96%. "Hạn hán và mới đây là úng ngập là một trong những nguyên nhân chứ không phải là tất cả" – hầu hết các hộ nông dân và cả cán bộ kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng đều có chung nhận định này. Ông Lê Văn Tòng đã đào toàn bộ gần 300 gốc sầu riêng bị chết trong vườn nhà lên và cho biết, ngoài tác động của hạn hán và lũ lụt thì còn "bộ rễ của cây sầu riêng ghép này phát triển quá kém".
Đã sắp đến ngày nông dân trồng sầu riêng trả nợ. Nhưng nói gì thì nói, việc bất thành của một dự án đầy thiện chí nói trên đang đứng trước nguy cơ phá sản; và hậu quả không những do nhà nông gánh lấy mà thiệt hại của nhà đầu tư hẳn không nhỏ. Vấn đề lúc này là cả hai phía – Công ty và nhà nông cùng với cơ quan chức năng địa phương – cần ngồi lại với nhau để bàn bạc nhằm tháo gỡ!
Nguồn tin: NNVN |