Xoài bị rụng hoa và trái?
Hỏi: Cây xoài năm trước năng suất rất cao nhưng năm nay bông và trái non bị rụng rất nhiều. Xin cho biết nguyên nhân vì sao và có cách nào khắc phục không?
Trả lời: Có rất nhiều nguyên nhân gây hiện tượng rụng bông và trái xoài, có thể kể một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Hiện tượng cách niên: Đây là hiện tượng năm được mùa, năm thất mùa đặc biệt hay xảy ra trên những cây xoài già tuổi. Hiện tượng này có thể do đặc tính giống (xoài cát, thanh ca…) cũng có thể vì năm trước năng suất quá cao nên cây suy kiệt dinh dưỡng vì vậy không đủ sức để tiến hành quá trình phân hóa mầm hoa cho năm sau.
- Thời tiết không thích hợp: Lúc xoài ra bông đậu trái gặp mưa nhiều làm vỡ hoặc rửa trôi hạt phấn, thời tiết khô nóng lại làm nướm nhụy bị khô, hạt phấn khó nảy mầm ảnh hưởng đến khả năng đậu trái …
- Thiếu dinh dưỡng và khô hạn: Sau khi đậu trái, cây không đủ dinh dưỡng và nước để nuôi trái do đó trái non sẽ rụng nhiều.
- Thời điểm bón phân không phù hợp: Bón phân không đúng lúc (bón khi cây đang ra bông hoặc trái non đang phát triển) dễ gây sốc cho cây và cũng gây rụng trái.
- Sâu bệnh: Một số sâu bệnh gây hại thời kỳ trổ bông đậu trái như rầy bông xoài và bệnh thán thư cũng góp phần gây rụng bông và trái non…
Để hạn chế sự rụng bông và trái xoài xin lưu ý như sau:
1. Bón phân đầy đủ vào 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là ngay sau thu hoạch (đợt bón chính) để bù lại phần dinh dưỡng đã bị trái lấy đi ở mùa trước (chủ yếu là phân đạm), giai đoạn 2 trước khi cây ra bông tự nhiên hay trước khi xử lý ra bông khoảng 15 ngày (tăng thêm P và K, giảm N). Lưu ý: Nếu có điều kiện nên sử dụng phân hữu cơ càng nhiều càng tốt.
2. Tưới nước đầy đủ khi xoài ra bông và giai đoạn trái non đang phát triển.
3. Phòng trừ sâu bệnh hại bông và trái nhất là rầy bông xoài và bệnh thán thư bằng các loại thuốc thích hợp. Đối với rầy bông xoài có thể dùng các loại thuốc đặc trị như Butyl, Bascide, Sherzol, Sherpa, Dimenat, Applaud-Bas, với bệnh thán thư có các thuốc như Thio-M, Carbenzim, Bendazol, Viben-C,…
4. Nếu có điều kiện, nên phun các chất điều hòa sinh trưởng và phân bón lá để hạn chế rụng hoa, gia tăng tỉ lệ đậu trái và chống rụng trái non, có thể phun từ 2 đến 3 lần. Lần đầu là sau khi hoa đã thụ phấn xong (15-20 ngày sau khi hoa nở rộ) phun các chế phẩm kích thích sinh trưởng nhóm Auxin hoặc NAA (với nhiều tên thương phẩm như Flower, Litosen, Dekamon, Vi-TĐQ, Vikipi,HD 207, HQ-101….). Lần thứ hai phun cách lần đầu khoảng 7-10 ngày và 15-20 ngày sau lần hai, có thể phun tiếp lần 3. Hai lần phun sau có thể sử dụng các chế phẩm GA và Cytokinin (Lục diệp tố, Progibb, Gibgro, Kelpax…).
* Lưu ý: Khi sử dụng các chất kích thích sinh trưởng có trên thị trường, cần xem thành phần chủ yếu là chất gì để dùng cho đúng hướng dẫn, cũng cần chú ý sử dụng kết hợp với phân bón lá (trong đó chú ý các chất N, Ca,và Mg) để bổ sung kịp thời dinh dưỡng cho trái xoài phát triển tốt.
Nguồn tin: NNVN |