Trừ ruồi đục quả bằng bả bẫy protein
Trả lời phỏng vấn: ông Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau thu nhập khẩu II cho rằng, thách thức lớn nhất trong việc xuất khẩu trái cây Việt Nam là "nạn" ruồi đục quả. Vậy ruồi đục quả nguy hại như thế nào? Có thể phòng, trừ và tiêu diệt triệt để không? NTNN đã trao đổi tiếp với các nhà khoa học thuộc Viện BVTV và được khẳng định đây là loài sâu hại hoàn toàn có thể xử lý được.
Mối nguy hại với các loại cây trồng
Tại Việt Nam, đến nay các nhà khoa học đã xác định được có 7 loài ruồi đục quả gây hại chính trên hầu hết các loại cây trồng. Loại quả bị phá hoại với tỷ lệ cao nhất là đào, mận có tới 100% quả bị ruồi phá hoại, tiếp theo là roi (80%), cherri (60%), táo ta (35%), thanh long (20%), vãi, nhãn (10%), mướp đắng, bầu, bí (10%)... TS. Lê Đức Khánh- Phó phòng Nghiên cứu côn trùng (Viện BVTV) cho biết: "Ruồi đục quả là loại côn trùng có phổ ký chủ gây hại rất rộng, có những loài gây hại tới trên 1.000 loại quả khác nhau, khi xuất hiện chúng có thể xâm nhập rất nhanh vào quả".
Chính vì vây, ruồi đục quả được xác định là đối tượng cần "quan tâm đặc biệt" và thường được các nước nhập khẩu kiểm dịch rất nghiêm ngặt, bất cứ một sản phẩm nào "dính" ruồi đục quả đều không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ruồi đục quả thực chất là các con ròi, chúng thường phá hoại vào giai đoạn quả gần chín (ương) bằng cách chui vào trong quả và phá hoại dần. Nếu bị ruồi xâm nhập, quả sẽ rụng, những quả không rụng sau thu hoạch rất khó bảo quản, thối dần và hỏng.
Trừ bằng cách nào?
Cho đến nay hầu hết các hộ nông dân chưa có ý thức phòng trừ loài côn trùng nguy hiểm này, thậm chí nhiều người không biết ruồi đục quả là gì. Ở những nơi đã phát hiện được loài côn trùng này lại thường sử dụng thuốc hoá học để tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, đây là phương pháp không đem lại hiệu quả mà lại rất tốn kém và độc hại tới sản phẩm, ô nhiễm môi trường. Nếu dùng thuốc hoá học, trung bình mỗi ha phải tiêu tốn hết 800 lít nước, thuốc để phun trùm lên toàn bộ cây, nên tốn rất nhiều công sức, đặc biệt nó có thể để lại dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm sau thu hoạch.
Trước thực trạng này, từ năm 1999, được sự hợp tác của FAO và Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông nghiệp quốc tế Úc, Viện BVTV đã phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thực hiện đề án nghiên cứu phòng trừ ruồi đục quả bằng bả bẫy protein. Đây là một dụng cụ diệt trừ ruồi đục quả được sản xuất từ men bia đã qua thuỷ phân làm chất dẫn dụ. Loại protein này sau khi được làm loãng bằng cách hoà với nước và một lượng thuốc diệt côn trùng nhất định sẽ được sử dụng để tạo điểm thu hút ruồi trên cây.
Theo tính toán, lượng nước cần dùng để sử dụng loại bả này cho 1ha chỉ hết 20 lít (bằng 1/40 so với thuốc hoá học) với chi phí hết từ 700.000-1 triệu đồng/ha. Phương pháp sử dụng bả protein rất đơn giản, nếu dùng để trừ, tẩm 2ml hợp chất dẫn dụ (ME hoặc CuE + 20% thuốc trừ sâu) vào bẫy. Treo bẫy lên cây nơi râm mát ở độ cao 1,5-2m. Mỗi ha treo 20- 30 bẫy, cứ 6 tuần thay bả một lần. Còn nếu dùng bả để phun phòng thì chỉ cần pha 50ml bả protein + 10ml Pyrinex 20EC + 0,95 lít nước để trừ. Khi phun cần phun theo điểm đối với cây ăn quả, mỗi điểm phun 50ml hỗn hợp tương ứng 1m2/cây) vào dưới tán lá, phun định kỳ 5- 7 ngày/lần.
Đối với rau quả, cứ cách một luống phun một luống. Thời gian phun nên tiến hành phun trước thu hoạch 1,5 tháng cho đến khi thu hoạch xong mới kết thúc. Sau ba năm triển khai thử nghiệm trên diện tích 35ha cho cây đào tại xã Loóng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La), kết quả cho thấy ở những địa điểm sử dụng bả có đến 95% số ruồi bị tiêu diệt chỉ trong một thời gian ngắn.
Mặc dù vậy, theo TS. Khánh, để xây dựng các vùng sản xuất rau quả "sạch" ruồi cần phải sử dụng thêm một công nghệ cao nữa là kỹ thuật triệt sản côn trùng (SIT). Kỹ thuật này được tiến hành sau khi mật độ ruồi đã giảm do ăn phải "bả" protein, sau đó một lượng ruồi bất dục lớn được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ sẽ được thả ra ngoài đồng. Những con ruồi trên có "vai trò" tìm đến các con ruồi còn sót lại trong vườn để giao phối nhằm tiêu diệt khả năng sinh sản của chúng (trứng không nở được).
Muốn thực hiện được phương pháp này, theo các nhà khoa học đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn, nên chúng ta cần phải thiết lập hệ thống kiểm dịch ở từng vùng, xây dựng và quy hoạch các vùng sản xuất rau quả tập trung với diện tích lớn. Được biết, hiện Viện BVTV đã xây dựng chiến lược cho chương trình này, bước đầu đã nhân nuôi thành công một số lượng ruồi bất dục lớn trong phòng thí nghiệm và sẽ đưa vào ứng dụng trong thời gian sớm nhất.
Nguồn tin: NTNN |