Vì sao cây vông làm nọc tiêu chết hàng loạt?
Hỏi: Vì sao cây vông làm nọc tiêu chết hàng
loạt? Thời gian gần đây hầu hết cây vông làm nọc tiêu ở địa phương chúng tôi
xuất hiện một lọai bệnh lạ làm cho lá non, ngọn, cuống lá non bị sưng phồng lên,
lá co dúm biến dạng rồi khô và chết hàng loạt dẫn đến nguy cơ chết cả cây tiêu.
Xin cho biết đó là lọai sâu bệnh gì và cách phòng trị. (Trần Văn Sơn, xã Xuân
Thọ, huyện Xuân Lộc và Võ Đình Thanh, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng
Nai)
Trả lời: Từ lâu cây vông nem- tên khoa học
Erithrina variegata (Erythrina orientalis) được bà con nông dân sử dụng làm nọc
tiêu. Đây là lọai cây dễ trồng lại sẵn có tại địa phương, vì vậy không tốn nhiều
tiền như sử dụng cây gỗ khô hay trụ gạch xây để làm nọc tiêu. Ưu điểm của cây
vông là ít khi bị sâu bệnh gây hại. Thế nhưng từ đầu tháng 9/2004 đã xuất hiện
một loài ong gây hại và đến nay đã phát triển thành dịch trên cây vông, có nguy
cơ gây chết hàng loạt và như vậy cũng đồng nghĩa là chết cả cây tiêu. Nạn dịch
ong gây hại trên cây vông nem đang làm hoang mang cho nhiều hộ trồng tiêu ở tỉnh
Đồng Nai và các tỉnh lân cận như Bà Rịa –Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước. Tên
của loài ong này chưa được xác định nhưng theo Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai thì
đây là loài ong ký sinh, thuộc bộ cánh màng Hymenoptera, họ Cynipidae, siêu họ
Cynipoidae. Ong thuộc kiểu biến thái hoàn toàn và các giai đoạn sinh trưởng hầu
như ở cả trong mô cây.

Theo kết quả điều tra của Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai : Giai
đoạn trứng 6-9 ngày, giai đoạn sâu non: 10-18 ngày, giai đoạn nhộng 5-7 ngày và
trưởng thành 3-4 ngày, như vậy cả vòng đời kéo dài khoảng 24 -37 ngày. Ong cái
đẻ trứng vào mặt dưới phiến lá, cuống lá kép, lá chét và đọt chồi non. Sâu non
đục ăn mô cây để sinh sống, làm cho tế bào phát triển nhanh tạo thành nốt hạch,
u lồi ra ở lá và phình to ở cuống lá, thân chồi non. Mỗi nốt hạch có một con
ong, một đoạn thân dài 1cm có thể chứa tới 25 con ong. Ở lá, ăn các u lồi liên
kết thành mảng sưng phồng lên làm cho lá biến dạng không phát triển được, không
ra lá mới dẫn đến khô đọt, chết cây.
Hiện nay loài ong này đang gây hại thành dịch trên tất cả cây
vông đang làm nọc tiêu và cả những cây vông mọc tự do trên địa bàn toàn tỉnh
Đồng Nai, nhưng nặng nhất ở một số khu vực trồng tiêu tập trung ở huyện Xuân Lộc
và huyện Cẩm Mỹ.
Biện pháp phòng trị:
Cây vông không phải là cây trồng chính nhưng được dùng làm nọc
sống cho cây tiêu vì vậy cần phải được bảo vệ bằng các biện pháp được thực hiện
đồng loạt theo từng cụm, khu vực trong phạm vi 1km. Các bước thực hiện như
sau:
-Cắt bỏ hết toàn bộ lá, cành bị hại thu gom đào hố chôn hoặc
phủ bạt kín cho đến khi vông chuyển màu đen, thối mục.
-Chăm sóc bón phân, tưới nước cho cây mau chóng phục hồi.
-Khi cây ra chồi non, sử dụng các lọai thuốc để diệt trừ ong
như sau: Sherzol 205EC, pha 20-25ml/bình 8lít, SecSaigon 25EC pha
20-25ml/bình 8lít, Sapen Alpha 5EC pha 15-20ml/bình 8lít, Dragon 585EC pha 15ml/
bình 8lít,… phun ướt đều cả hai mặt lá, chồi non, cành non.
Đặc biệt, để tăng hiệu lực và kéo dài thời gian diệt ong, nên
pha thêm 40-50ml dầu khoáng SK Enpray 99EC cho bình phun 8lít. Nên phun 3 lần
liên tục, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày.
Nguồn tin:NNVN
|