Bò bị sảy thai do thụ tinh nhân tạo?
Câu hỏi:
Con bò nhà tôi khi động đực được phối tinh nhân tạo và đã có
chửa 4 tháng nhưng tự nhiên bị sảy thai. Tôi và vợ con cho rằng do phối tinh
nhân tạo nên xảy ra như vậy, nhiều nông dân cũng cho là lý do này. Xin NNVN cho
biết có đúng là như thế không? Xin giải thích cho chúng tôi biết thêm.
(Nguyễn Văn Trạng, xóm Nà Bồi – thôn Lâm Hưng, thị trấn Ma Lâm – Hàm Thuận
Bắc, Bình Thuận)
Trả lời:
Bò sảy thai do nhiều nguyên nhân gây ra. Sau đây là những
nguyên nhân chủ yếu:
Do chấn động cơ học, bò có chửa khi đi ăn ở bầy húc nhau, bò chạy nhảy
khi bị rượt đuổi, té xuống hố, bờ ruộng… Khi bò mang thai từ 1 – 8 tháng tuổi bị
chấn động mạnh vẫn bị sảy thai. Do bệnh truyền nhiễm như bệnh sảy thai truyền
nhiễm (Brucellosis). Ngoài ra bò bị sảy thai do thức ăn, nếu bò ăn phải thức ăn
có nhiễm thuốc cỏ do nông dân phun xịt diệt cỏ ở ruộng lại dính vào cỏ khi bò ăn
phải nếu có nồng độ cao cũng gây ra sảy thai và khi bò bị mắc bệnh truyền nhiễm
như sốt lở mồm long móng, bệnh ký sinh trùng đường máu như tiên mao trùng, lê
dạng trùng… cũng hay bị sảy thai…
Không nên cho rằng do thụ tinh nhân tạo nên bò bị sảy thai. Thụ
tinh nhân tạo là dùng tinh của bò đực khác được bảo quản trong bình nitơ đem
phối cho bò cái khi động dục để có chửa là đạt. Cần khẳng định nếu không có chửa
là phối tinh không đạt do nhiều yếu tố. Thứ nhất do không phối tinh đúng thời
điểm bò động dục vì trứng không rụng. Thứ hai là bảo quản tinh không tốt, hoạt
lực tinh trùng yếu hay chết hết. Thứ ba là phối ngoài tử cung hoặc kỹ thuật phối
không đạt yêu cầu… Vì vậy bò phối tinh đã chửa tới 4 tháng thì không phải do thụ
tinh nhân tạo.
Cũng từ đây, cần tuyên truyền cho những nông dân khác trong
xóm, thôn hiểu và nhận thức tốt về công tác thụ tinh nhân tạo. Ở Hàm Thuận Bắc
hiện nay đàn bò cái có khoảng 26.000 con/35.000 con tổng đàn. Trong đó, cái đã
sinh sản được có khoảng 13.000 con (còn lại là tơ lỡ). Tỷ lệ bò đực giống đang
mất cân đối với bò cái sinh sản, vì vậy để cải tạo được đàn bò vàng địa phương
có tầm vóc nhỏ, ngoại hình xấu và các yếu tố kỹ thuật khác đều kém so với bò
Laisind, huyện đang đặt ra công tác thụ tinh nhân tạo lấy tinh của bò nhóm Zebu
để phối cho bò cái địa phương tạo bò có máu lai F1.
Công việc này đã thực hiện trên 10 năm và đã có hiệu quả rất
tốt, đến nay nhờ có công tác thụ tinh nhân tạo cho bò đã góp phần cải tạo đàn bò
ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỷ lệ bò có máu lai từ 26% năm 1994 đến năm 2004 đạt 49%.
Từ đây công tác thụ tinh nhân tạo cho bò cái sinh sản là một công việc cần làm
trong những năm tiếp theo.
Nguồn tin: NNVN
|