Dưa chuột bao tử bị thoái hoá
Hỏi: Tôi trồng 1,5 sào dưa chuột bao tử
giống Marinda do Nhà máy CBNS &TPXK Bắc Giang cung ứng hiện đang cho thu
hoạch. Cây sinh trưởng tốt, ra hoa, đậu quả nhiều. Tuy nhiên không hiểu sao có
một số cây bị chùn ngọn, xoăn lá, quả bị biến dạng, nhọn đầu và vỏ trơn, không
có gai như quả của các cây bình thường khác. Thôn tôi trồng khá nhiều nhưng chỉ
một số hộ bị lẻ tẻ. Có người nói do giống thoái hoá hoặc lẫn giống. Xin quý báo
cho biết có đúng là giống bị thoái hoá hay cây dưa bị bệnh gì? Cách chữa trị ra
sao?

Trả lời: Theo phản ánh của bạn và theo yêu
cầu của Nhà máy CBNS & TPXK Bắc Giang, chúng tôi có dịp đi cùng với Chi
nhánh công ty hạt giống Seminis (đơn vị cung ứng giống dưa chuột bao tử Marinda
F1 tại các tỉnh phía Bắc) về thăm vùng dưa nguyên liệu của nhà máy. Những triệu
chứng mô tả của bạn trong thư cùng với các quan sát của chúng tôi trên đồng
ruộng cho thấy, một số nhỏ diện tích dưa chuột bao tử của một số hộ trong thôn
đã bị bệnh xoăn lá virus gây hại.
Theo điều tra riêng của chúng tôi: Từ một lô hạt giống được
nhập về cùng đợt, được nhiều địa phương gieo trồng (kể cả Nhà máy CBNS &
TPXK Bắc Giang trồng ở huyện Lạng Giang - Bắc Giang) vào đầu tháng 10 đều sinh
trưởng, phát triển tốt, không có biểu hiện sâu bệnh lạ và không có hiện tượng
biến dị trên quả. Điều đó hoàn toàn khẳng định: Không phải giống dưa chuột bao
tử Marinda F1 bị thoái hoá hoặc lẫn giống. Bệnh gây hại trên nhiều loại cây
trồng khác nhau, trong đó nhóm cây rau thực phẩm bị hại khá nghiêm trọng như cà
chua, khoai tây, dưa chuột, các cây họ bầu bí, ớt, các cây họ cà, thuốc lá,
bông, đu đủ... Nếu không được phát hiện và có những biện pháp phòng trị kịp thời
thì bệnh sẽ làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm các loại rau quả, thậm chí
dẫn đến thất thu hoàn toàn.
Triệu chứng bệnh :
Triệu chứng điển hình trên các loại cây trồng thuộc nhóm cây
rau thực phẩm là cây bị lùn, thấp, lá vàng, xoăn lên. Cây bị bệnh virus sinh
trưởng kém, đốt thân hoặc các lóng ngắn lại và hơi uốn cong. Lá có màu xanh
sáng, nhiều lá bị nhỏ lại, phiến lá gợn sóng, bề mặt lá trở thành láng bóng. Rìa
lá uốn cong lên, xoăn lại thành hình lòng mo. Các lá non ở ngọn xuăn lại nhiều
hơn. Bệnh thường xuất hiện rõ nhất vào giai đoạn ra nụ (đối với cà, ớt và cà
chua), ra hoa, đậu quả (đối với các loại cây thuộc họ bầu bí).
Biện pháp phòng trừ :
- Biện pháp tích cực trước mắt là bà con cần nhổ bỏ triệt để
các cây đã bị bệnh và nghi có các triệu chứng nhiễm bệnh đưa ra khỏi ruộng, để
khô rồi đốt nhằm tránh nguồn lây lan.
- Thường xuyên kiểm tra và phun trừ các tác nhân lan truyền
bệnh như rệp muội, bọ phấn, bọ trĩ... bằng các loại thuốc trừ sâu như Ofatox
400EC, Polytrin 440 EC, Supracide 40 EC/ND; Selecron 500EC/ND, Fastac 5EC,
Regent 800WG... pha nồng độ 0,1-0,15% (10-15ml/bình 10 lít, phun cho mỗi sào từ
2-3 bình vào lúc sáng sớm hay chiều mát).
- Với các vụ sau: Không trồng các loại cây có cùng ký chủ với
rệp muội và bọ phấn trắng gần nhau để hạn chế lây lan. Thường xuyên chăm sóc cho
vườn được sạch cỏ dại, hái bớt lá già cho thông thoáng nhằm hạn chế nơi trú ngụ
của bọ trưởng thành. Bón phân cân đối giữa các nguyên tố đa lượng NPK, không bón
quá nhiều đạm sẽ làm cho bộ lá phát triển tốt, thân lá mềm, tạo điều kiện cho
rệp muội và bọ phấn chích hút lan truyền bệnh nhanh.
- Chú ý: Các giống dưa chuột bao tử lai F1 rất mẫn cảm với thời
tiết, đặc biệt là nhiệt độ. Chúng chỉ thích hợp trong khung nhiệt độ từ 18-30 độ
C; nếu gặp nhiệt độ thấp dưới 15 độ C, cây sẽ ngừng ra quả, quả sẽ bị thui chột
(sau các đợt gió mùa đông bắc). Ngược lại nếu nhiệt độ cao quá 35 độ C dễ bị rối
loạn sinh lý thực vật dẫn đến qủa bị biến dị như nhọn đầu, trơn vỏ, ruột quả bị
rỗng bởi có nhiều vách ngăn rỗng (thường xảy ra cuối vụ xuân).
Nguồn tin: NNVN |