Cây thiên lý lụi dần
Hỏi: Mấy năm lại đây, hoa thiên lý được nhiều người ưa dùng làm rau ăn. Ngay cả khách sạn, người ta cũng dùng nó làm rau cao cấp. Xin cho biết nó bổ hay độc? Nghe nói dùng làm thuốc chữa được bệnh lòi dom phải không? Tại sao chỉ sau 2 – 3 năm trồng cây đã lụi dần và sinh rất nhiều rệp? Cách chữa ra sao?
Trả lời: Hoa thiên lý trước đây người ta thường dùng để nấu canh cua với bánh đa hay luộc lẫn với rau muống. Lá của nó dùng thứ bánh tẻ, vò nát rửa sạch nấu với giò sống ăn ngon như rau ngót. Thiên lý ăn mát và dễ ngủ. Hiện người ta chỉ mới biết trong nó có một số loại ancaloit không độc. Trong dân gian người ta lấy lá thiên lý bánh tẻ rửa sạch, giã nát với chút muối, lấy nước cho thấm vào gạc rồi đắp vào chỗ dòi dom và cả chỗ dạ con bị sa, ngày làm độ hai lần, chừng 3 – 4 lần, bệnh nhẹ thì khỏi.
Cây hoa thiên lý mọc rất nhiều cành nhánh, vươn dài, nên gọi thiên lý có nghĩa là "ngàn dặm" hay hoa thơm về đêm, nên còn có tên "dạ lý hương" cây thuộc loài thân thảo. Nếu thân cây cứ để lưu cữu trên giàn, thì tới mùa thu, đông các cành nhánh nhỏ sẽ lụi dần và chết do rét. Cây lại mất nhiều sức lực để chống chọi với mùa đông do đó cây rất mau tàn. Trồng thiên lý tốt nhất là cứ sang đầu tháng tám âm lịch thì cắt bỏ cây đến sát gốc gỡ bỏ hết cành lá trên giàn đem phơi khô rồi đốt đi hay làm phân xanh cho cá ăn càng tốt. Sau đó bới gốc cây ra bón vào chung quanh mỗi khóm độ 40 – 50kg phân chuồng thật hoai, rồi lấp lại. Sang xuân từ gốc cây sẽ phát sinh nhiều chồi. Tỉa bỏ đi phần lớn, chỉ giữ lại mỗi gốc 2 – 3 chồi cho lên thành cây. Làm như vậy cây sẽ cho nhiều cành nhánh, mới có sức sống mạnh hơn và cho hoa nhiều hơn, sống lâu hơn.
Thiên lý hay bị rệp sáp chích hút làm giảm năng suất. Rệp sáp do loài kiến đen mang tới từ các cây cối gần đó, nhất là rệp cây na, để rệp hút nhựa cây rồi thải ra phân có vị ngọt giống như mật nuôi kiến. Muốn kiến không đến cần phải thường xuyên tưới nước phân ải pha loãng cho cây luôn xanh tốt và tìm cách hạn chế, không cho kiến đen phát triển.
Gia Dũng (Theo NNVN)
|