Các tỉnh biên giới ĐBSCL: Thị trường trái cây
Mấy tuần nay, tại các tỉnh biên giới ở ĐBSCL tiếp giáp
Campuchia, trái cây ngoại đang hút hàng, nguồn cung ít, giá tăng rất cao. Trong
khi đó các loại trái cây nội địa đang vào mùa, chiếm ưu thế về số lượng, giá cả
cạnh tranh. Tại khu vực biên giới mỗi ngày có hàng tấn trái cây nội địa “lội
ngược” sang tiêu thụ trên thị trường nước bạn...
NGHỊCH MÙA, TRÁI CÂY NGOẠI HÚT HÀNG, GIÁ CAO
Hơn một tuần nay, tại trung tâm thương mại và các chợ ở thị xã
Rạch Giá tỉnh Kiên Giang, trái cây ngoại đang hút hàng, giá tăng khá cao. Chúng
tôi đến Trung tâm thương mại 30-4 tìm mua xoài, sầu riêng, bòn bon, măng cụt–bốn
mặt hàng nhập từ Thái Lan rất ăn khách-nhưng các tiểu
thương vẫn lắc đầu bảo: “Hổm rày, hàng Thái hút hàng quá. Giá lên 5.000
đồng–10.000 đồng/kg nhưng vẫn không có hàng bán. Khách cứ hỏi hoài, tụi tui hổng
biết tìm đâu ra hàng... lúc này bên đó dứt mùa trái cây rồi”. Bòn bon Thái Lan
mọi khi giá chỉ 20.000–22.000 đồng/kg nhưng giờ giá lên đến 30.000 đồng/kg tại
chợ Hà Tiên, còn về Rạch Giá là 35.000 đồng/kg. Còn sầu riêng nhập thì càng trở
nên khan hiếm hơn. Sầu riêng Cái Mơn tại chợ chỉ kêu giá 12.000 đồng/kg nhưng
khách hàng vẫn tìm mua sầu riêng Thái dù được “hét” với giá 25.000 đồng/kg nhưng
vẫn rất ít hàng. Trong khi đó, giá thường ngày của sầu riêng Thái chỉ 15.000 –
18.000 đồng/kg.
Đặc biệt là xoài Thái dường như “vắng bóng” ở thị trường
trái cây Kiên Giang suốt nửa tháng qua. Tâm lý chuộng “hàng ngoại” của khách
hàng cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ “chất lượng trái cây ngoại nhập thường rất
đồng đều, khẩu vị ngon, lạ. Bà Tư Mai, một khách hàng “trung thành” với trái cây
ngoại nhập ở thị xã Rạch Giá, cho biết như vậy.
Chị Thu Vân bán trái cây ở lô thứ 4 mặt sau trung tâm thương
mại 30-4 cho biết: “Trái cây Thái Lan thường nghịch mùa so với trái cây Việt Nam
nên mùa này rất hút hàng. Do hấp dẫn khẩu vị nên khách rất ưa, dù giá có cao hơn
chút đỉnh. Mấy tháng trước, mỗi ngày tôi bán trên 100 kg trái cây nhập. Bây giờ
thì ít hơn nhiều vì không có hàng...”.
Tuy nhiên theo các tiểu thương thì bán trái cây nội địa lãi cao
so với hàng ngoại. Một “đại gia” về trái cây ở thị xã Rạch Gia (Kiên Giang) tiết
lộ: Trái cây nhập về thường giá đầu vào đồng nhất, ít dao động và bán ra lời rất
“meo”, nhà phân phối mới có lãi cao nhờ số lượng. Trong khi đó, trái cây nội địa
rất dễ “trúng mánh”. Hôm nào “hút hàng” mà nhanh tay thu gom được thì coi như
làm chủ thị trường ngay ngày hôm sau. Nếu bán thông thường thì lãi cũng cao gấp
đôi ba lần trên mỗi đầu kg so với trái cây ngoại.
TRÁI CÂY NỘI “CHẢY” NGƯỢC QUA BIÊN GIỚI
Ông Đoàn Văn Bé, Phó ban quản lý Chợ cửa khẩu Tịnh Biên cho
biết, những tháng đầu năm 2005, lưu lượng khách du lịch đến chợ mua sắm, tham
quan rất đông, chợ trái cây tại đây bán mỗi ngày từ 2.000 đến 3.000 kg. Phần lớn
đều lấy hàng từ phía Campuchia. Nhưng hiện tại thì tiêu thụ khoảng vài trăm ký
mỗi ngày chủ yếu cho du khách, chủng loại không đa dạng như trước do bên Thái
Lan hết mùa. Trái cây nội thì được bày bán nhiều hơn!
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang, vào mùa trái
cây Thái Lan, mỗi ngày có khoảng 20 đầu xe khách chạy tuyến Hà Tiên–Rạch Giá chỉ
chở trái cây nhập lậu lên đến 4 tấn/ngày–đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường
trái cây nội tỉnh. Đó là chưa kể những xe tải nhập chở hàng tấn trái cây đi qua
con đường này để phân phối đến các tỉnh lân cận. 6 tháng đầu năm, các lực lượng
chức năng của Kiên Giang đã phát hiện và tịch thu gần 25.000 kg trái cây nhập
lậu. Ngăn chặn nhập lậu mặt hàng này không phải dễ. Bởi lẽ, đối tượng thường
chia lẻ trái cây đi nhiều chuyến trong ngày mà các lực lượng chức năng không thể
kiểm soát hết.
Vào thời điểm này, tại các cửa khẩu đường thủy, bộ giữa An
Giang và Campuchia diễn ra cảnh trái cây nội đủ các loại lại “chảy” ngược về
phía bên kia biên giới. Bà Ba Nhẫn, chủ vựa trái cây nói, khi nào có người đặt
mới lấy hàng về chứ không vựa sẵn, để lâu sẽ hao hụt và lỗ lã. Bây giờ chỉ bán
trái cây nội địa miệt vườn cho bạn hàng Campuchia. Họ thồ bằng xe gắn máy mỗi
chuyến chừng một, hai trăm ký và đủ loại nào là trái vải, chôm chôm, sầu riêng,
bơ, thanh long … với giá cả chênh lệch không nhiều bởi miền Tây, miền Đông, miền
Trung và phía Bắc đang rộ mùa thu hoạch trái cây đặc sản.
Sở Thương mại-Du lịch An Giang cho biết, năm 2004 có đến 600
tấn trái cây các loại nhập vào tỉnh qua đường biên giới, chủ yếu vẫn là trái cây
Thái Lan. Đó là chưa kể mặt hàng trái cây Trung Quốc vận chuyển bằng đường bộ và
số lượng phân tán. Trong 6 tháng đầu năm 2005, mua bán tiểu ngạch đạt trên 1,4
triệu USD, riêng mặt hàng trái cây xuất khẩu qua Campuchia được 210 tấn, tăng
khá so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên theo các tiểu thương thì số lượng trái cây
nội lội ngược qua biên giới thực tế cao hơn nhiều lần từ việc nhập khẩu tiểu
ngạch phân tán...
Tại trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ hoa tươi và trái cây
nối liền đường Nguyễn Huệ B-Nguyễn Trãi, chợ Mỹ Bình và Mỹ Xuyên, lúc nào cũng
tấp nập, trái cây nội đang chiếm ưu thế về số đông nhưng khách hàng vẫn có tâm
lý chuộng hàng ngoại hơn. Chị Út Thuận, chủ sạp bán trái cây tại chợ Long Xuyên
nói: “Anh xem đây, trái sầu riêng Cái Mơn vẫn đẹp và ngon hơn nhiều lắm, nhưng
ai đến cũng hỏi mua sầu riêng Thái Lan, mà mình chỉ họ không chịu nghe. Còn lựa
xoài, măng cụt, nho… cũng thế”. Rồi, chị đưa ra giá biểu từng loại, cho thấy
trái cây ngoại cùng loại cao hơn từ 3.000 đồng đến 5.000đ/kg so với trái cây nội
địa. Chị Út Thuận cười: “Bà con mình sao cái gì cũng thích ngoại quá, trái cây
nội địa bây giờ ngọt ngào, hương vị đậm đà đâu thua ai…”. Miệt vườn đang vào
mùa, các vựa ở Long Xuyên đầy ắp trái cây nội địa, hàng ngày có từ 5 đến 7 chiếc
xe tải lớn chuyển hàng về và chưa kể phương tiện đường sông neo đậu theo làng
nổi Mỹ Phước.
Thực tế, đến các chợ biên giới Châu Đốc, Tân Châu, An Phú và
các chợ cửa khẩu tiểu ngạch đường sông Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai, Khánh An, Khánh
Bình cho thấy mặt hàng trái cây vẫn… thả nổi theo mùa thu hoạch của nhà vườn nội
địa và phía ngoại biên. Số lượng mua bán xuất nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới
Việt Nam-Campuchia tùy thuộc vào thời vụ. Nhưng với công nghệ sinh học và xử lý
sau thu hoạch, trái cây Thái Lan có phần vượt trội hơn hẳn trái cây Việt Nam nên
mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng bảo quản được lâu hơn.
THÀNH NGUYỄN - ĐÌNH KHOA |