Sơri rớt giá thê thảm
Do có điều kiện đất đai thổ nhưỡng thích hợp, vùng Gò Công tỉnh Tiền Giang phát triển trồng sơri rất tốt. Vậy mà mấy năm nay, người dân Gò Công phải lao đao bởi sơri rớt giá thảm hại và do không tìm được đầu tiêu thụ cho sản phẩm này. Thời hoàng kim của sơri Gò Công Đông dường như đã qua...
Trước kia chưa có hệ thống ngọt hóa Gò Công thì đất đai bị nhiễm phèn mặn cho nên cây sơri chủ yếu mọc rãi rác trên cát ở khu vực thuộc xã Bình Nhị và Tân Đông thuộc huyện Gò Công Đông. Cho đến khi dự án ngọt hóa kéo được nước về, cây sơri bắt đầu tươi tốt, nhà vườn mới chuyển sang đầu tư mạnh để trồng cây này. Đến nay, diện tích cây sơri đã lên đến 784 ha, trong đó miệt Gò Công Đông 585 ha, thị xã Gò Công 125 ha, còn lại huyện Gò Công Tây 14 ha, vườn chuyên canh sơri hiện nay được trồng tập trung tại 4 xã: Nhị Bình, Bình Lân, Tân Đông và Nhị Phước với diện tích 430 ha, chiếm khoảng 73% diện tích sơri toàn huyện.
Đâu rồi thời hoàng kim?
Người dân Gò Công nhớ rõ thời hoàng kim của cây sơri, đó là vào khoảng năm 1990. Trong vườn nhà nào cũng xum xê cây trái sơri nhất là mua thu hoạch sơri chín mồng đỏ cả một vùng Gò Công, đi đến đâu cũng thấy bà con tất bật thu hoạch sơri trong vườn. Trái sơri vừa hái trong vườn còn tươi được đổ vào sân phơi từ trong nhà ra khắp ngõ, mọi người miệt mài lựa chọn phân loại thành đống rồi đem cân bán cho các nhà máy chế biến. Trái sơri được nhà máy thu mua bình quân từ 2.600 đ đến 3.200 đ/ký, thậm chí có lúc lên tới 3.500 đ/ký.
Ông Huỳnh Văn Bỉnh ở xã Bình Lân huyện Gò Công, từng được mệnh danh là "vua sơri", người có nghề trồng sơri lâu đời nhất vùng, kể lại: "Trước đây tôi có 6 công đất trồng sơri, mỗi năm thu họach hàng tấn trái, sơri vừa trúng mùa, lại được giá, có lúc trái sơri vọt lên 3500 đ/ký, chỉ sau vài vụ sơri tôi cất được nhà và mua thêm đất, nhiều hộ dân trong huyện, theo gương tôi đầu tư mở rộng trồng sơri, rồi cũng trúng mùa, được thời phất lên như diều gặp gió. Tôi sắm tivi, xe máy, xây nhà cửa khang trang... Vậy mà chỉ trong mấy năm nay, ngôi vị hoàng kim của sơri Gò Công nổi tiếng bỗng nhiên vụt tan biến, vì sơri tụt giá thảm hại. Nhìn sơri chín đỏ trong vườn, rụng đầy dưới gốc nhưng chẳng ai muốn bỏ công ra hái, vì giá sơri bán rẻ như bèo, họ chẳng biết tiêu thụ đâu cho hết...".
Anh Nguyễn Văn Thông, ở ấp kênh trên xã Bình An, huyện Gò Công than thở: "Vườn nhà tôi có 3.000 m2, trồng được 160 gốc sơri, hiện đang vào mùa thu họach. Từ đầu năm đến giờ, tôi thu được 2 đợt rồi, mỗi đợt khỏang trên 1 tấn sơri, nhưng chỉ cân cho Công ty Thịnh Phát được 300 ký với giá bình quân từ 1500 đ đến 1800 đ/ký tùy lọai, giá bán tươi ra thị trường cao lắm chỉ được 200 đ đến 400 đ/ký là cùng. Cho nên tôi đành đổ xuống ao cho cá ăn, cho đỡ uổng công". Theo ông Thông tính thì với 160 gốc sơri, 1 năm thu hoạch 8 vụ, trừ chi phí phân bón, giống... thì cũng thu nhập được khoảng 10 triệu đồng, nhưng năm nay chẳng thu được đồng nào".
Còn anh Nguyễn Hữu Phúc, người xã Bình An, tâm sự: "Với 3.000 m2, trồng được 120 gốc, hiện cũng đang cho thu hoạch. Năm ngoái tôi thu được gần 1 tấn sơri nhưng cân bán cho nhà máy cũng chẳng được bao nhiêu, nhiều khi sơri đang vào mùa chín rộ nhưng nghe "ông" nhà máy ngưng thu mua, nên đành phải chịu lỗ, bán ra thị trường, nếu không thì cũng không biết đổ đâu cho hết".
Nói về tình trạng sản xuất và tiêu thụ sơri hiện nay, bà Nguyễn Thị Tỏ, Phó chủ tịch UBND Gò Công Đông cho biết: "Trung bình mỗi hộ dân trong huyện có từ 1.000 m2 đến 1.500 m2 sơ ri, và chủ yếu là lọai giống sơri chua, ngọt cho sản lượng khỏang 15.000 tấn/năm. Tuy nhiên điều lo lắng nhất hiện nay, đối với các nhà vườn là tìm đầu ra cho sản phẩm và làm sao bán được giá ổn định. Trong mấy năm nay, do nhà máy thu mua không hết nên dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Do vậy các nhà vườn vẫn trông chờ vào Nhà máy Thịnh Phát thu mua. Thực tế từ đầu năm 2005 cho đến nay Công ty Thịnh Phát chỉ tiêu thụ khoảng từ 20% đến 25% sản lượng trái thu họach".
Thừa sản phẩm nhưng vẫn thiếu nguyên liệu
Đầu tháng 7/2005 này, trở lại Gò Công đúng vào vụ mùa thu hoạch sơri rộ, ta lại gặp cảnh các nhà vườn chất sơri thành từng đống, chẳng biết đem đi đâu nên đành phải đổ bỏ. Do tiêu thụ đang gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều nhà vườn ở các xã Bình An, Bình Nhị và Tân Đông đã bỏ mặc vườn hoang, không muốn đầu tư hoặc đốn bỏ cây sơri để chuyển sang trồng cỏ nuôi dê hay đào ao thả nuôi tôm, cá. Ông Lâm Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát cho biết: "Hiện nay, chúng tôi hiện cũng đứng trước những khó khăn lớn, làm sao lo cho sản phẩm nhà máy cất cánh được, thì mới tiếp tục họat động được, chúng tôi không bao giờ phụ lòng dân, nhưng vì yêu cầu khắt khe của khách hàng, của thị trường nên buộc chúng tôi phải tìm lựa hàng đầu vào nghiêm ngặt thì mới có thể cho ra sản phẩm tốt được. Mặc dù nhà máy đóng trên địa bàn vùng trồng sơri nhưng ngặt nỗi nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất. Do đó công ty phải sang tận tỉnh Bến Tre đặt vấn đề thu mua thêm nguyên liệu, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế mà thôi. Hiện nay nhà máy chúng tôi phải gần như tạm ngưng hoạt động, vì mỗi ngày chỉ tuyển mua được 1 tấn trái sơri, trong khi công suất nhà máy 15 tấn/ngày".
Vậy vì sao lại có nghịch lý trên? Ông Trung giải thích đó là do mẫu mã và chất lượng quả sơri của bà con địa phương quá kém, không đạt tiêu chuẩn nên nhà máy không thể mua hàng được, hơn nữa các nhà vườn cung cấp hàng rất lẻ tẻ, không tập trung nên việc thu mua cũng rất khó. Một phần là việc cung ứng nguyên liệu của các nhà vườn không đều, trong năm có đến 11 tháng, do mua không đủ nguyên liệu cho nên nhà máy đành phải ngưng họat động, nhưng khoảng 2 tháng còn lại vào thời điểm thu hoạch rộ thì nhà máy lại thu mua không xuể.
Tuy vậy, các nhà khoa học đều cho rằng, vùng đất này có khả năng phát triển thành những vùng chuyên canh sơri lớn và nếu thâm canh tốt sẽ cho sản lượng từ 120 ngàn đến 150 ngàn tấn sơri/năm. Vì vậy, để cây sơri Gò Công có thể tìm lại thời hoàng kim, ngay từ bây giờ cần phải đặt ra một chiến lược phát triển bền vững thì mới có thể đáp ứng nhu cầu chế biến và giúp cho các nhà vườn gắn bó với nghề trồng sơri.
Nguồn tin: VnEconomy |