Tiền Giang: nâng cao chất lượng sản phẩm rau quả bằng khoa học công nghệ
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo "Khoa học công nghệ phục vụ bảo quản, sơ chế, tiêu thụ rau quả và hoa tươi giai đoạn 2006-2010".
Theo Bộ NN-PTNT, tổng diện tích rau, quả cả nước hiện có 1,3 triệu ha, với sản lượng khoảng 14 triệu tấn. Trong đó, rau và gia vị 600 ngàn ha, sản lượng hơn 8 triệu tấn; quả 700 ngàn ha, sản lượng gần 6 triệu tấn. Đến nay, trên địa bàn cả nước đã hình thành các vùng sản xuất rau quả khá tập trung. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng cây ăn quả chiếm gần 40% diện tích cây ăn quả cả nước. Tiếp theo là vùng miền núi phía Bắc (chiếm khoảng 23%). Trong khi đó, đồng bằng sông Hồng lại là vùng sản xuất rau lớn nhất cả nước (chiếm 29% sản lượng rau toàn quốc). ĐBSCL đứng thứ hai về sản xuất rau (chiếm 23% tổng sản lượng). Bước đầu, cả nước đã hình thành mạng lưới các cơ sở chế biến gồm trên 60 nhà máy và xưởng chế biến với tổng công suất trên 290.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó có 12 dây chuyền mới đầu tư nâng cấp (sau năm 1999), với tổng công suất hơn 50.000 tấn sản phẩm/năm có trình độ thiết bị công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ.
Tuy nhiên, sản xuất rau quả ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập: diện tích manh mún, không có vùng chuyên canh lớn để cung cấp nguyên liệu ổn định cho thị trường. Phần lớn rau quả tươi mới chỉ được bảo quản theo tập quán của địa phương. Hầu hết các nhà máy chế biến hiện đều thiếu nguyên liệu, bình quân chỉ đạt 20%-25% công suất thiết kế. Tại một số chợ đầu mối buôn bán rau quả ở các thành phố lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có đầu tư áp dụng phương pháp bảo quản mát nhưng chỉ áp dụng để bảo quản các loại rau quả nhập khẩu có giá trị cao như táo, lê, nho...Hơn nữa, do bao gói vận chuyển không thích hợp nên đã làm cho chất lượng sản phẩm bị suy giảm nhanh chóng; tổn thất sau thu hoạch khá lớn ( từ 20- 25%), sản phẩm không thể vận chuyển đi xa. Tỷ lệ rau, quả qua chế biến chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng.
Hội thảo dành nhiều thời gian tập trung thảo luận về nhiều vấn đề như: vai trò của khoa học công nghệ trong bảo quản, sơ chế, tiêu thụ rau quả tươi; Thị trường và tác động của hệ thống chính sách đến sản xuất, bảo quản tiêu thụ rau, quả, hoa; Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Việt Nam, vấn đề tiêu thụ sản phẩm... Tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam đề xuất 5 nội dung cần nghiên cứu để nâng cao khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam trong thời gian tới: kỹ thuật thu hoạch và sơ chế, bảo quản trái cam, bưởi, sầu riêng, dứa, đu đủ nhằm kéo dài độ tươi và giảm thất thóat sau thu hoạch; Điều tra nghiên cứu chi phí sản xuất của 11 loại trái cây có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là cơ sở để nghiên cứu giảm chi phí sản xuất tăng sức cạnh tranh; Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ trái cây an toàn theo tiêu chuẩn EurepGap; Xây dựng mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cho 1 HTX chuyên trái cây; Nghiên cứu vận chuyển rau quả bằng tàu thủy và tàu hỏa nhằm giảm chi phí vận chuyển.
Theo Bộ NN-PTNT, việc cần thiết phải thực hiện là phải triển khai các nội dung nghiên cứu khoa học công nghệ một cách đồng bộ về các lĩnh vực cận thu hoạch, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến, vận chuyển rau, quả, hoa. Trong đó vấn đề sơ chế, bảo quản rau, quả, hoa tươi là nhu cầu cấp thiết cần phải giải quyết trong giai đoạn 2006-2010./.
Nguồn tin: TTXVN |