Rừng na trên núi đá
Bằng cách gieo hạt và trồng cây găm vào các kẽ đá trên
núi, người dân ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã trồng được hàng nghìn cây na trên
các sườn núi đá. Nhờ cách làm đó mà nhiều gia đình người Nùng ở đây đã thoát
được cảnh đói nghèo vươn lên làm giàu.
Có sức người, núi đá cũng thành... na
Tuy vụ thu hoạch na của bà con ở Chi Lăng năm nay đã bước vào
thời điểm cuối cùng, nhưng suốt dọc đường từ ải Chi Lăng đến gần thành phố Lạng
Sơn vẫn san sát những điểm bán na cho khách ngược xuôi. Năm nay, cũng như mọi
năm, người trồng na ở Chi Lăng lại thắng lớn, lại thu bộn tiền từ loại cây "cứu
cánh" này. Một trong những người có công khám phá nghề trồng na ở Chi Lăng là
ông Nguyễn Văn Trường (thôn Đồng đĩnh, xã Chi Lăng). Còn nhớ vài năm trước đây,
gia đình ông vẫn quẩn quanh trong vòng cam khó. Ông Trường kể, ngày ấy, ông cùng
các thành viên trong nhà đã bao phen toan tính với đủ kế làm ăn nhưng lực bất
tòng tâm, nghèo vẫn hoàn nghèo. Sau nhà ông là dãy núi đá vôi cao sừng sững, mà
cũng đã có lần gia đình ông tung sức người lên đó bằng cách tra hạt ngô trên
từng kẽ đá theo cách làm của người Mông ở Hà Giang. Thế nhưng, bao nhiêu công
sức đổ ra sản phẩm thu lại chỉ là con số không tròn chĩnh. Đang cơn bĩ cực thì
năm 1998, thấy mấy hộ dân ở quanh đó học cách trồng na của người miền xuôi lên
khai hoang, chẳng có việc gì làm nên ông cũng gom hạt về trồng. Cứ trồng thế thôi chứ ông cũng chẳng trông mong
gì nhiều bởi đá ấy, đất ấy cây ngô vốn dễ sống còn chết dặt chết dẹo, huống chi
cây na đã quen với đồng đất mỡ màu. Ông Trường thổ lộ: "Trồng na mà giống hệt
như người ta đi du lịch leo núi vẫn thấy trên vô tuyến ấy. Mạo hiểm lắm! Mỗi lần
đưa bầu na lên núi là một lần tôi phải thắt dây an toàn. Núi cao, toàn đá tai
mèo nhọn hoắt, không làm vậy thì nguy hiểm lắm!". Sau 3 năm chăm bón, rừng na
hơn 1.000 gốc của nhà ông đã cho lứa quả đầu tiên. Ông Trường bảo, ông rất bất
ngờ về số tiền hơn 20 triệu từ vụ đầu tiên ấy. Nhận thấy, đây là loại cây duy
nhất có thể trồng được trên các núi đá cheo leo, nên ông đã nhân rộng thêm hơn
1.500 gốc na, vụ nào cũng cho thu hoạch đều đặn tới 50 triệu đồng.
Kỷ lục về số tiền thu được sau mỗi vụ na ở Chi Lăng phải kể đến
nhà ông Mã Văn Lét ở thôn Quán Thanh. Với trên 2.000 gốc na, mỗi năm gia đình
ông Lét thu trung bình trên 80 triệu đồng. Cũng giống như gia cảnh nhà ông
Trường, nhà ông Lét trước đây cũng sống trong nghèo khó bởi nơi ông ở cũng bốn
bề là núi đá chênh vênh. Thấy "người khai hoang" đem na từ xuôi lên trồng, ông
cũng mò mẫm học theo. Giờ đây, ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi của nhà
ông đã khuất chìm sau bạt ngàn những rừng na trĩu quả. Ông Lét bảo chẳng hiểu
tại sao núi đá ở đây lại hợp với cây na như thế, bởi cứ găm hạt xuống là chúng
lên tốt bời bời. Theo ông Lét, trồng na chỉ vất vả nhất là công đoạn vun gốc
trong 1-2 năm đầu. Sau đó, khi na khép tán thì chẳng phải chăm sóc gì nhiều, cứ
điềm nhiên thu quả như của trời cho vậy. Không những thế, theo ông Lét, na ở núi
đá quả lại rất to, khoảng 0,3-0,5kg/quả. Na ở đây ít hạt, thơm và rất giai. Khi
ăn có thể dùng dao sắt ra từng miếng gọn gàng.
Mở hướng thoát nghèo
Theo ông Lăng Văn Thạch - Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, trước đây
xã ông được "liệt" vào một trong những xã nghèo nhất huyện, 80% dân số là đồng
bào Nùng, tập quán canh tác lạc hậu nên cái đói, cái nghèo cứ rình rập thường
xuyên. Thêm nữa, Chi Lăng là xã nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá, đất để canh tác
các loại cây ngũ cốc như ngô, lúa... rất ít, nên cái khó cứ mãi bó lấy cái khôn.
Ông Thạch cho biết, cả xã hiện chỉ có gần 250ha đất ruộng, còn lại trên 2.000ha
là đồi cao và núi đá, rất khó chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Có thể nói, việc cây na "đến" với người dân Chi Lăng chẳng khác
nào một cuộc "cách mạng" để thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Bây giờ những rừng na
đã phủ xanh gần hết màu xám đen của những dãy núi đá vôi ở Chi Lăng. Riêng vụ
thu hoạch năm ngoái, cả xã với hơn 300 ha na đã cho thu trên 1.400 tấn quả. Với
giá trung bình 10.000 đồng/kg, rừng na đã đem về cho dân trong xã tới 14 tỷ
đồng. Còn vào niên vụ năm nay, tuy chưa thống kê, nhưng theo ông Thạch thì dân
xã ông còn bội thu hơn nữa bởi giá na năm nay luôn giữ ở mức cao. Nhờ na, giờ
Chi Lăng đã không còn hộ đói, số hộ giàu và khá chiếm tới 61%.
Mừng đấy nhưng những hộ trồng na ở Chi Lăng vẫn canh cánh một
nỗi lo tìm thị trường ổn định cho cây na. Hiện tại, đầu ra cho thứ quả đặc sản
mới ở Chi Lăng này chỉ trông cậy vào tư thương, nên luôn bị ép giá mỗi khi na
chín rộ. Đã có năm, do không bán kịp, dân xã ông đã phải gánh na đổ ra đường.
Cũng theo ông Thạch, giờ đây, mỗi khi na không bán hết, nhiều hộ trong xã đã có
sáng kiến mày mò ủ na nấu rượu. Tuy chưa thành hàng hoá, nhưng ông Thạch bảo,
rượu na uống cũng thơm lắm, màu vàng óng rất bắt mắt. Và biết đâu đấy, chỉ một
thời gian nữa thôi, xứ Lạng đã ngất ngây bởi đặc sản rượu Mẫu Sơn, lại có thêm
thứ rượu na Chi Lăng quyến rũ.
Nguồn tin: NTNN |