Đã có cách bảo quản vải thiều tươi thêm 25-30 ngày
“Viện nghiên cứu Rau quả đã sử dụng nguồn gene di truyền, chọn
ra một bộ giống vải chín sớm trong tháng 5, đem lại hiệu quả kinh tế
cao hơn hẳn so giống vải truyền thống chín trong tháng 6. Ngoài ra, nghiên cứu
sinh lý bảo quản của vải để kéo dài thêm một tháng nữa, đáp ứng nhu cầu ăn tươi
của người tiêu dùng". GS.TS Trần Văn Lài, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau
quả, chủ nhiệm dự án bảo quản vải thiều, vừa cho biết. Viện nghiên cứu Rau quả
vừa tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định thư Việt Nam - Ấn Độ về bảo
quản vải thiều hôm 26/6. Dự án này thực hiện trong 36 tháng (từ 1/2002-12/2004),
do Viện nghiên cứu Rau quả chủ trì.
Trong thời gian thực hiện dự án, các chuyên gia của Viện nghiên
cứu Rau quả đã áp dụng quy trình bảo quản xông khí SO2, nhúng acid loãng và lưu
kho lạnh, giữ được vải thiều tươi trong 25-30 ngày, tỷ lệ quả thương phẩm đạt
90-95%, vỏ quả không bị biến màu ít nhất sau hai ngày sau ra kho, đạt tiêu chuẩn
ngành TCN 204-94. Hiện nay, Viện đang thiết lập mô hình bảo quản, đóng gói, ra
kho, với quy mô 3 tấn/lượt, bắt đầu thực hiện từ ngày 16/6.
Ấn Độ được chọn là đối tác số 1 của Viện, bởi đây là một trong
mười nước có sản phẩm vải thiều, diện tích đứng thứ hai trên thế giới (sau Trung
Quốc), nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Hiện nay, công nghệ bảo quản vải của
Ấn Độ rất cao, sản phẩm vải thiều tươi của Ấn Độ đã được xuất khẩu sang nhiều
nước châu Âu với số lượng lớn.
Tiến sĩ V.B Kudachikar thuộc Viện nghiên cứu thực phẩm Trung
ương Ấn Độ, đơn vị hợp tác nghiên cứu với Viện, đã đánh giá rất cao kết quả thực
hiện dự án, khả năng nghiên cứu của Viện trong lĩnh vực bảo quản rau quả tươi.
Ông Kudachilar cho biết: "Thời gian tới, Ấn Độ sẽ tăng cường
khả năng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực bảo quản, nhằm tăng giá trị sản
phẩm hoa quả tươi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho
người trồng vải ở Việt Nam".
Vải thiều là thứ quả quý ở miền bắc nước ta, được phát triển
mạnh về diện tích, năng suất và sản lượng trong mấy năm gần đây. Diện tích vải
cả nước hiện đạt 62 nghìn ha, diện tích cây cho quả đạt 42-45 nghìn ha, sản
lượng 150 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, một đặc tính của vải thiều là chỉ chín tập
trung trong vòng tháng 6, rất khó giữ tươi. Lâu nay, ở những vùng vải thiều tập
trung như Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương), chỉ có một lượng rất nhỏ
tiêu thụ tươi, còn lại đều phải sử dụng phương pháp sấy khô, giá trị kinh tế
thấp. Kéo dài thời gian bảo quản vải thiều tươi là mục đích nghiên cứu chính của
dự án hợp tác Việt Nam - Ấn Độ.
Theo NNVN |