Kết quả bước đầu lai tạo giống thanh long
Cây Thanh long (Hylocereus undatus) được trồng ở Việt Nam phổ biến với hai giống/dòng là Bình Thuận và Chợ Gạo mà chúng có thịt quả màu trắng. Trong khi giống Thanh long vàng (Selenicereus magalanthus) được trồng ở Colombia, giống Thanh long ruột đỏ (Hylocereus undatus) được trồng ở Nicaragua và Guatemala có thị trường lớn ở châu Âu và Mỹ (Obregon, 1996).
Thanh long ruột đỏ có màu sắc thu hút trên toàn trái và thịt trái. Hiện tại, trái Thanh long ruột đỏ có trọng lượng trung bình khoảng 1 pound (450g) được tiêu thụ tươi ở Châu Âu, Mỹ cấm nhập Thanh long tươi nhưng nhập thịt quả Thanh long đông lạnh vẫn được phép. Bên cạnh việc ăn tươi màu thịt trái Thanh long là vấn đề được ưa thích cho công nghệ chế biến như là mứt, nước quả, kẹo, lên men, ... (Obregon,1996). Do đó, giống Thanh long ruột đỏ ngoài sự ưa chuộng cho tiêu thụ tươi còn phù hợp cho thị trường chế biến.
Nhằm gia tăng nguồn đa dạng di truyền và chọn tạo giống mới trên thanh long, đặc biệt là giống Thanh long ruột đỏ, Viện Nghiên cứu Cây Ăn Quả miền Nam đã du nhập 2 giống Thanh long Ruột đỏ và Ruột vàng từ Colombia vào năm 1994 và 6 giống Thanh long từ Đài loan vào năm 1996. Qua khảo sát giống tại vườn tập đoàn của Viện, kết quả Thanh long Ruột đỏ đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho phép khu vực hóa vào năm 2000 (VNCCĂQMN, 2000).
Một vài đặc tính của giống Thanh long ruột đỏ: khả năng ra hoa rất mạnh, trái khi chín có màu đỏ đậm, vị ngọt, không chua, vỏ dầy, tuy nhiên, tỷ lệ đậu trái rất thấp và trái nhỏ nếu không được thụ phấn bổ sung, vỏ trái dễ bị kiến và nấm bồ hóng tấn công, tai trái mềm rũ có màu vàng, hình dạng trái không đẹp như giống Thanh long Bình Thuận và Chợ Gạo vì thế giảm sức hấp dẫn người tiêu dùng. (VNCCĂQMN, 2000). Theo Weiss (1994) trong cùng loài Hylocereus spp thì loài Hylocereus polyrhizus (Thanh long Ruột đỏ) tự thụ phấn kém nhưng thụ phấn chéo với các loài khác thì đạt tỷ lệ đậu trái cao.
Trước tình hình đó, Viện đã tiến hành lai tạo nhằm tạo ra trái Thanh long ruột đỏ với hình dạng, màu sắc vỏ quả và tai quả giống như Thanh long Bình Thuận, đặc biệt tạo giống Thanh long ruột đỏ có trọng lượng trái to (>300g/trái) trong điều kiện thụ phấn tự nhiên. Đó cũng là mục tiêu của công tác chọn tạo giống Thanh long hiện nay.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Vật liệu
- Cây Thanh long ruột đỏ và Thanh long Bình Thuận 3 năm tuổi đang được trồng tại Viện nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam
- Các dụng cụ cần thiết cho lai tạo.
Phương pháp
Tổ hợp lai:
1. Thanh long Bình Thuận x Thanh long Ruột đỏ
2. Thanh long ruột đỏ x Thanh long Bình Thuận
Phương pháp:
+ Hoa được sử dụng làm mẹ phải được khử đực trước khi hoa nở 1 – 2 ngày, công tác khử đực nên được làm vào lúc chiều mát và bao hoa ngay sau khi khử đực.
+ Hoa sử dụng lấy phấn cần bao lại trước khi hoa nở một ngày, để tránh nhiễm phấn của các giống khác.
+ Sự thụ phấn nên được tiến hành lúc 23 giờ đêm tới 1 giờ sáng, đối với hoa Thanh long Bình Thuận sử dụng làm chất liệu mẹ và 4 - 6 giờ sáng, đối với hoa của Thanh long ruột đỏ được sử dụng làm chất liệu mẹ. Do thời gian trổ hoa của hai giống này khác nhau.
+ Hoa sau khi được thụ phấn cần bao lại 5 - 7 ngày để đảm bảo sự thụ tinh xảy ra hoàn toàn, sau đó mở bao ra và treo thẻ ghi ngày, tháng lai, tổ hợp lai.
Hoa Thanh long to và nhiều phấn hoa nên việc lai không khó khăn, mặt khác trái Thanh long chứa nhiều hạt nên nguồn con lai phong phú và dễ thành công, tuy nhiên, do thời gian trổ hoa và ngày trổ hoa của hai giống Thanh long Bình Thuận và Ruột đỏ khác nhau nên cần xác định ngày trổ hoa chính xác để lưu giữ nguồn phấn. Phấn hoa Thanh long có thể tồn trữ được trong 3 ngày trong điều kiện tủ lạnh thường (nhiệt độ 4 – 5oC).
+ Khi trái chuyển sang màu đỏ tiến hành thu trái, chà bỏ thịt quả, các hạt lai được gieo trong tro trấu cho nảy mầm và cấy truyền ra bầu đất, kích thước bầu 30 x 20 cm, hỗn hợp bầu gồm 1/3 đất + 1/3 tro và 1/3 phân chuồng hoai. Khi cây khoảng 6-8 tháng tuổi có thể đem trồng ngoài đồng để đánh giá con lai.
+ Trồng đánh giá nhanh ngoài đồng:
Khoảng cách trồng: cây cách cây 50cm, hàng cách hàng 1,5m để tiện việc chăm sóc và theo dõi. Bón phân và chăm sóc theo quy trình của Viện.
+ Sau khi cây cho trái đầu tiên các cá thể được đánh giá sơ khởi là tốt sẽ được chọn lọc và được nhân lên để trồng đánh giá về năng suất, phẩm chất và mức độ nhiễm sâu bệnh, theo đúng khoảng cách: 3,0 x 3,5 m và điều kiện canh tác, tại trại thí nghiệm của Viện. Từ đây các con lai tốt đáp ứng được các mục tiêu trong chương trình tạo giống sẽ được chọn và được đánh giá ở nhiều địa điểm trước khi phóng thích giống.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Chúng tôi đã tạo được:
+ 95 con lai thuộc tổ hợp lai Thanh long Bình Thuận x Thanh long ruột đỏ
+ 93 con lai thuộc tổ hợp lai Thanh long ruột đỏ x Thanh long Bình Thuận
Tất cả các con lai đang được trồng khảo sát tại trại thí nghiệm của Viện vào tháng 6 năm 2000. Hiện chỉ 8 con lai bắt đầu cho trái gồm 5 con lai Thanh long ruột đỏ x Thanh long Bình Thuận và 3 con lai Thanh long Bình Thuận x Thanh long ruột đỏ.
Kết quả bước đầu rất khả quan: Tất cả 8 con lai đều cho thịt quả màu đỏ, trong đó có 2 con lai có khả năng cho trái to trong điều kiện thụ phấn tự nhiên (>300 g), dù cây chỉ mới một năm tuổi, vỏ trái đỏ sáng, tai trái và hình dạng trái đẹp, đó là dòng số 5 của tổ hợp lai Thanh long ruột đỏ và Thanh long Bình Thuận và dòng 11 của tổ hợp lai Thanh long Bình Thuận với Thanh long ruột đỏ.
Theo NNVN |