Sâu bệnh trên cây vú sữa
Trên chùm bông vú sữa thấy có loại sâu
nhỏ, tác hại và cách phòng trừ
Loại sâu này ăn các bông vú sữa
mới nở làm cho bông bị hư, không đậu trái được, khô và rụng. Sâu ăn bông vú sữa
(Eustalodes anithivora) là nguyên nhân rất quan trọng làm bông rụng nhiều, ít
trái.
Trưởng thành là loài bướm nhỏ, màu nâu, sải cánh chỉ rộng
khoảng 10 mm, đẻ trứng rải rác trên bông hoa vú sữa. Sâu non nở ra ăn cánh hoa
rồi đục vào ăn bầu noãn. Sâu di chuyển từ bông này sang bông khác để gây hại và
khi đủ lớn làm nhộng trong các lá khô. Vòng đời sâu ngắn, chỉ khoảng 3 tuần
lễ.
Nếu khi cây ra bông có sâu nhiều, phun các thuốc Visher,
Sagolex, Pyrinex, Vibasu, Fastac… Nên phun vào chiều mát để tránh ảnh hưởng đến
thụ phấn của hoa.
Cách phòng trừ rệp bông trắng trên cây vú sữa
Rệp bông trắng gây hại trên nhiều loại cây ăn trái. Do cơ thể
rệp có lớp bông trắng bao phủ, rệp lại sinh sản nhiều, phát triển nhanh nên việc
phòng trừ bằng thuốc tương đối khó khăn. Muốn thuốc có hiệu quả cần chú ý phun
sớm khi rệp mới phát sinh. Nếu rệp đã nhiều cần phải phun liên tiếp 2 – 3 lần
cách nhau khoảng 5 – 7 ngày, trước khi phun thuốc có thể phun nước để rửa bớt
lớp sáp che phủ. Nên dùng các loại thuốc có khả năng nội hấp hoặc xông hơi như
Dimenate, Lancer, Vibaba, Oncol, Fenbis, Lorsban, Pyrinex… Tham khảo các câu 57,
76, 112, 150.
Đặc điểm và cách phòng trừ sâu đục thân cây vú
sữa
Sâu đục thân cây vú sữa là sâu non của một loài xén tóc, thuộc
bộ côn trùng cánh cứng. Loài sâu này cũng phá hại rất phổ biến trên cây sapô.
Cách phòng trừ như trên cây sapô.
Phòng trừ sâu đục trái vú sữa
Sâu đục trái (Alophia sp.) là loài sâu hại rất phổ biến trên
cây vú sữa, sâu còn phá hại trái ổi sapô Sâu phá hại từ khi trái còn nhỏ cho đến
khi đã già và chín, có thể làm rụng hoặc hư cả trái, giảm phẩm chất trái.
Trưởng thành là loại bướm màu nâu, sải cánh rộng khoảng 25 mm.
Sâu non màu hồng, có các đốm đen nhỏ trên thân. Bướm đẻ trứng rải rác từng quả
trên vỏ trái non. Sâu non nở ra đục ngay vào ăn bên trong trái, khi lớn làm
nhộng ngay trong đó. Trong mỗi trái chỉ có một sâu non. Sâu có thể di chuyển từ
trái này sang trái khác, nhất là các trái liền nhau. Nơi sâu đục có thể phát
hiện dễ dàng nhờ lớp tơ kết dính phân sâu thành chùm ở gần cuống hoặc phía dưới
trái.
Khi mới thấy có một vài trái non bị hại cần phun thuốc ngay,
phun 2 – 3 lần cách 7 – 10 ngày một lần. Dùng các loại thuốc Vibasu, Sagolex,
Oncol, Pyrinex, Netoxin, Lorsban.
Trái vú sữa bị khô đen và rụng, nguyên nhân và cách
phòng trừ
Đó là bệnh thối khô trái vú sữa do nấm Lasio diplodia
theobromac. Nấm bệnh xâm nhập từ khi trái còn nhỏ. Vết bệnh lúc đầu chỉ là một
đốm nhỏ màu đen. Gặp thời tiết ẩm, vết bệnh phát triển nhanh, lan khắp trái, làm
trái bị khô đen và rụng. Tỉ lệ trái rụng trong một số trường hợp khá cao, có thể
trên 20%.
Phòng trừ bằng bón đủ phân cho cây sinh trưởng tốt, nhất là khi
có trái. Nhặt bỏ và tiêu hủy các trái rụng vì bệnh. Có thể hạn chế bằng phun các
thuốc gốc đồng (Viben-C, Funguran), Bendazol, Carbenda, Dipomate, Manozeb...
Theo NNVN |