Kinh nghiệm trồng dưa hấu đông xuân ở Vĩnh Phúc
Vụ đông 2004 vừa qua nhiều bà con nông dân ở xã Đạo Trù, huyện
Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hoạch một vụ dưa hấu bội thu đạt hiệu quả kinh tế
cao. Với 5 ha giống dưa hấu Hắc Mỹ Nhân 308 được đưa vào gieo trồng nhằm thay
thế cây ngô đông truyền thống. Nhờ trồng đúng thời vụ, chăm sóc kỹ thuật theo
hướng dẫn thuật của TTKN Vĩnh Phúc và cán bộ kỹ thuật Công ty Hạt giống Trang
Nông (đơn vị cung cấp giống), chỉ sau 60-65 ngày các ruộng dưa của bà con đã cho
thu hoạch với năng suất khá cao, chất lượng dưa rất ngọt, bán được giá cao nên
bà con rất phấn khởi.
Với giá bán dưa trái vụ khoảng 2.500 - 3.000 đ/kg thì gia đình cũng có
thể thu lãi từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/sào sau khi khấu trừ các chi phí khoảng
400-450 ngàn đồng. Để có thể trồng được dưa hấu vụ ĐX đạt năng suất cao, chất
lượng dưa tốt và hiệu quả kinh tế cao nhất, theo kinh nghiệm của nông dân Vĩnh
Phúc, bà con cần chú ý một số điểm sau đây khi trồng giống dưa mới này:
- Thời vụ: Đây là giống chịu nhiệt, có thể trồng được nhiều vụ trong
năm. Tuy nhiên tốt nhất là vụ xuân từ 5-10 tháng 2; vụ đông trồng trước 5/9 (sau
khi gặt lúa mùa) để thu vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Có thể trồng thêm vụ
trái, tuy năng suất thấp hơn nhưng lại bán được giá (gieo cuối tháng 7, đầu
tháng 8 dương lịch để thu vào cuối tháng 9 ). Đối với vụ trái này cần chú ý tính
toán kỹ lịch gieo trồng nhằm tránh thời gian ra hoa đậu trái vào thời gian mưa
to, mưa nhiều dưa khó đậu trái.
- Nên xử lý hạt trước khi gieo để đạt được tỷ lệ nẩy mầm cao
nhất vì giá hạt giống khá cao: Phơi hạt giống dưới nắng nhẹ 1-2 giờ, ngâm hạt
trong nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) trong 6 giờ, vớt ra rửa sạch nhớt, để ráo rồi ủ ấm
cho nứt nanh rồi đem gieo vào bầu nilon hoặc bầu lá chuối vừa đảm bảo cho cây
mọc khoẻ, đều, tiết kiệm hạt giống và tranh thủ được thời gian chờ gặt lúa và
làm đất. Cần xử lý hạt giống bằng thuốc tím 3/1.000 để hạn chế bệnh sau này.
- Chỉ nên trồng với mật độ 360 cây/sào Bắc bộ (1 cây/m2) trên
luống có phủ bạt nilon nhằm hạn chế cỏ dại, hạn chế sâu bệnh, giữ ẩm cho cây và
tiết kiệm phân bón. Luống rộng 5m, trồng hàng đôi với khoảng cách cây cách cây
30-40cm để tiết kiệm đất và dễ chăm sóc, tiện thu hoạch.
- Phân bón: Mỗi sào nên bón lót khoảng 400-500 kg phân chuồng
hoai mục + 30-35 kg phân NPK loại 16-16-8 (loại phân chuyên dùng cho dưa hấu),
thêm 2kg phân đạm urê trộn đều các loại phân và bón theo hốc, lấp đất và trải
bạt nilon rồi trồng cây (chỉ cần trải bạt nilon 2 bên mép luống để trồng cây,
còn phân giữa luống không cần phủ bạt).
- Trong khâu chăm sóc cần chú ý khâu nước tưới: Nên tưới theo
rãnh ngập khoảng 2/3 trong 2-3 giờ để cho nước ngấm vào luống giúp tan phân để
cây dễ hút rồi tháo nước ngay. Suốt cả thời kỳ cây dưa lớn cần tưới phân thúc
cho cây 4-5 lần: Lần 1 sau khi cây bén rễ hồi xanh (sau trồng 15-20 ngày), lần 2
trước khi cây ra hoa (thân vươn dài khoảng 1m) với lượng phân khoảng 2kg đạm +
3kg phân lân hoà vào nước và tưới gốc. Sau khi trái to bằng nắm tay bà con nên
tưới thêm 1 lượt nước phân nữa với 1,5kg đạm và 3kg kali để tăng trọng quả, dưa
ngọt hơn.
- Khi cây có khoảng 12-14 lá bắt đầu ra hoa, đậu quả, tiến hành
thụ phấn bổ sung từ 6 đến 9 h sáng bằng cách úp nụ hoa đực vào nhụy hoa cái. Nên
chú ý tuyển trái để có chất lượng trái cao: Mỗi dây chỉ nên để lại 1 quả, mỗi
cây 2 quả, chọn trái ở vị trí thứ 2 trên dây chèo, trái đều, cuống dài, nhiều
lông tơ mướt, còn lại vặt bỏ hết các quả nhỏ để cây tập trung dinh dưỡng nuôi
quả lớn. Sau khi tuyển trái thì cắt ngọn (trên dây chèo để lại 5-6 lá/quả là
vừa).
Nguồn tin: NNVN |