Ảnh hưởng của nước trên sự ra hoa và phát triển của trái chôm chôm
Các nghiên cứu cho thấy các điều kiện của thời tiết ở thời kỳ trước mùa
trổ bông có liên quan mật thiết với sự trổ bông của chôm chôm. Chôm chôm trước
khi trổ bông cần một khoảng thời gian ngắn khô hạn (khoảng 1 tháng) để phân hoá
mầm hoa. Bông sẽ trổ nhiều hay ít thường liên quan chặt tới thời kỳ khô hạn này.
Như vậy trước mùa ra bông không nên tưới để chôm chôm ra bông được
nhiều. Nhưng nếu gặp trời mưa nhiều trong thời gian này thì chôm chôm thường cho
ra lá hơn là hoa.
Gặp trường hợp như vậy, ta nên bón phân, tưới nước
luôn cho lá phát triển, sau đó lá già thì sẽ cho bông. Để kích thích lá mau già
có thể dùng MKP, (0-52-34) để xịt lên lá với nồng độ 40 – 50g/10lít. Sau 1 tháng
ngưng tưới để kích thích mầm hoa phát triển, ta bắt đầu bón phân và tưới nước
trở lại để chôm chôm ra bông. Trong thời kỳ ra bông nên tưới nước ở mức vừa phải
để giúp gia tăng tỷ lệ đậu trái. Mưa lớn trong thời kỳ này thường gây bất lợi
cho sự đậu trái, có lẽ do hoạt động của các côn trùng gây sự thụ phấn kém.
Trong thời kỳ trái non phát triển (sau khi đậu trái) nếu thiếu
nước, trái sẽ lớn chậm, nhỏ trái và rụng nhiều, nhưng nếu ở vào kỳ cuối của trái
phát triển, nếu tưới nhiều hoặc gặp mưa lớn thì tỷ lệ trái nứt sẽ cao.
Cây chôm chôm là cây có kích thước trung bình. Lá kép 1-4 cặp
lá chét. Hoa thành chùy thường lài hơn lá. Quả dạng bầu dục, áo hạt dày bao trọn
hạt, dính hay hơi tróc. Áo hạt có vị chua ngọt, thơm dễ chịu. Có hoa tháng 3, có
quả tháng 5-7.
Cây chôm chôm được phân bố ở nhiều nước: Trung Quốc, Lào,
Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippinnes, Việt Nam. Ở nước ta cây chôm chôm
được trồng nhiều ở miền Nam, chủ yếu ở các tỉnh Nam bộ, ít trồng ở phía
Bắc.
Ở Ninh Thuận, cây chôm chôm nhân dân còn ít trồng, chỉ có ở xã Lâm
Sơn (Ninh Sơn) đã trồng được 15-20 ha chôm chôm. Đặc biệt do thổ nhưỡng và thời
tiết nên chôm chôm Lâm Sơn giòn, ngọt thanh, không dính. Vì vậy mà giá chôm chôm
Lâm Sơn thường cao hơn chôm chôm Nam bộ từ 1,5 đến 2 lần. Nếu chôm chôm Nam bộ
giá 2000đ/kg thì chôm chôm Lâm Sơn giá 3000đ - 4000đ.
Thành phần hóa học
cây chôm chôm:
Hạt chôm chôm chứa 35-40% chất dầu béo đặc, có cấu trúc
của hạt ca cao, có mùi dễ chịu, gồm phần lớn là arachidin, cùng với olein và
stearin. Vỏ quả chứa tanin và một saponin độc. Vỏ cây và quả xanh có chứa
tanin.
Công dụng của cây chôm chôm:
Người ta dùng áo hạt để ăn,
bổ, giải nhiệt. Dầu hạt được dùng làm xà phòng, làm nến thắp. Quả xanh và vỏ quả
được dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ. Cũng dùng trị sốt rét, trị giun. Liều dùng
20-40g dạng thuốc sắc. Ở Malaysia người ta dùng vỏ cây trị bệnh về
lưỡi.
Trồng chôm chôm mỗi năm mỗi hecta có thể thu được 25 triệu
đồng.
Quả chôm chôm thị trường đang cần. Hơn nữa thổ nhưỡng và khí hậu
Lâm Sơn tạo cho chôm chôm có chất lượng cao. Vì vậy chúng ta cần nghiên cứu mở
rộng trồng cây chôm chôm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để góp phần nâng cao đời sống
người nông dân.
Theo NTNN |