Bệnh khô đầu lá vải thiều
Triệu chứng:
Cây từ 2- 3 năm tuổi nhưng còi cọc và có hiện tượng lá non sau một thời gian bị khô đầu lá là những triệu chứng ban đầu và đặc trưng của bệnh khô đầu lá trên cây vải thiều do nấm Pestalollia sp. gây ra. Bệnh chỉ phát sinh và gây hại trên cây vải trong thời gian còn ở vườn uơm và 1-2 năm đầu sau khi trồng.
Các bào tử của nấm Pestalollia sp. thường tồn tại tiềm ẩn trong đất. Khi gặp điều kiện thuận lợi như nhiệt độ môi trường cao, độ ẩm không khí và đất lớn thì các bào tử này sẽ thâm nhập vào các cây non và gây hại. Nấm Pectalollia sp. có thể xâm nhập thông các vết thương cơ giới (các vết cắt cành chiết, các vết cắt trên cành), các vết nứt, xây xước trên gốc, thân, rễ, cành v.v… Một con đường lây nhiễm rất quan trọng nữa là các bào tử nấm xâm nhập qua các lỗ khí khổng ở các lá non do nước mưa làm bắn các bào tử này lên lá. Nước là con đường giúp nấm Pestaloliia sp. xâm nhập vào các lá non gây hại làm cho các mô của các lá này bị tổn thương dẫn đến các lá chuyển màu vàng. Bệnh càng phát triển, các lá này sẽ bị khô dần từ đầu ngọn lá đến cuống lá. Bệnh có thể lây lan từ chồi non này đến chồi non khác, từ lá non này sang lá non khác. Bệnh phát triển nặng có thể làm khô các cành non, các lá bị khô chết, cây không quang hợp được, còi cọc, sinh trưởng kém, dẫn đến chết cả cây.
Bệnh thường phát sinh vào mùa mưa, đặc biệt là các tháng 7, 8, 9; gây hại nặng vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 và tháng 4 khi độ ẩm đất và không khí lớn, nhiệt độ cao. Bệnh tường xuất hiện ở những vùng đất thấp (dưới chân đồi), những vùng thường bị đọng nước và những nơi khó thoát nước.
Với bệnh khô đầu lá vải thiều biện pháp hòng trừ hiệu quả nhất là chú ý chọn và làm đất kỹ trước khi trồng (không trồng nơi đất thấp, đọng nước, xử lý bằng vôi bột hoặc falizan trừ nấm đất trước khi trồng). Khi thấy xuất hiện các triệu chứng ban đầu thì dùng kéo cắt bỏ các cành, lá bị bệnh đem ra khỏi vườn rồi đốt để tránh nguồn nấm lây lan. Phun Boócđô 1% hoặc Alirette 80WP 0,3% hay Rovral 50 WP pha 100-150 g/l phun đẫm toàn bộ tán cây bị bệnh. Hàng năm nên phun phòng một lần vào trước mùa mưa bằng Boócđo 1% vừa kinh tế, vừa có tính chất phòng ngừa bệnh phát sinh. Việc tủ gốc giữ ẩm cho cây là cần thiết vào mùa khô hạn, nhưng phải cào hết cỏ rác ra khỏi gốc cây trước mùa mưa để cho đất được thông thoáng, cải tạo độ ẩm tránh sự lây nhiễm và phát sinh của nấm bệnh.
Trong trường hợp cây đã 3 năm mà không lớn được, triệu chứng bệnh khá nặng, khó hồi phục nên đào bỏ, xử lý đất thật tốt rồi mua cây giống tốt (cây ghép) để trồng lại (nên trồng nhiều cây) thì tốt hơn.
Theo NNVN |