Nhà nông vào mạng
Internet đã cho con người những cơ hội để nắm bắt thông tin và thu về
nhiều lợi ích cho mình. Dù chưa phổ biến, nông dân tại một số vùng nông thôn
Việt Nam cũng bắt đầu biết khai thác Internet để làm giàu kiến thức và phục vụ
công việc sản xuất.
Vừa đi thăm lúa ngoài ruộng về, tay chân còn lấm lem
bùn đất, ông Hai Đông vội vã tạt qua văn phòng Hợp tác xã nông nghiệp và kinh
doanh tổng hợp Bình Tây (Hợp tác xã Bình Tây, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền
Giang).
Khởi động máy tính, kết nối Internet xong, ông Tám Đông bắt đầu
gõ địa chỉ trang web giống y như gà mổ thóc. www.htxbinhtay.com là một trang web với nội
dung chỉ toàn lúa, dưa, lợn, bò, gà, cá... Ấy vậy mà mấy lão nông mê chí tử. Ông
Vương Hoàng Nhẹ, Phó chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thạnh Nhựt, cười móm sọm
nói: "Tui thấy sướng nhứt là lúa gạo của mình được cả thế giới biết mà đặt hàng
mua ào ào".
Anh Nguyễn Văn Mười, Chủ nhiệm hợp tác xã Bình Tây, cũng khoe:
"Hồi tháng 8/2004, chúng tôi đưa hai sản phẩm đi dự hội chợ quốc tế nông nghiệp
tại TP HCM. Có hơn 500 gian hàng hàng trưng bày sản phẩm, nhưng hợp tác xã đã
giựt được hai trong tổng số 75 huy chương vàng của hội chợ". Theo anh Mười, hai
sản phẩm đó là gạo đặc sản Gò Công và khô cá bò, sau hội chợ được đưa lên mạng
ngay và khách hàng khắp nơi đã điện đến đặt hàng.
Với số lượng gần 1.000 xã viên, Hợp tác xã Bình Tây hoạt động
trên tám lĩnh vực là sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thương mại dịch vụ, du
lịch, chuyển giao khoa học kỹ thuật khuyến nông, sản xuất gia công các mặt hàng
thủ công mỹ nghệ làm từ bẹ chuối, lục bình... Nhiều sản phẩm của xã viên sản
xuất được giới thiệu trên trang web của hợp tác xã sau đó ký được nhiều hợp đồng
lớn ở ngoài tỉnh, kể cả miền Bắc. Còn khô cá bò xuất khoảng 100 tấn/năm hiện đã
có mặt tại thị trường Hàn Quốc, Đài Loan. Anh Mười cho rằng tiếng tăm các sản
phẩm của hợp tác xã vang xa càng làm cho những nông dân mới mặn mòi hơn với vi
tính.
Trong nhóm nông dân mới tập tành làm quen với máy và mạng
Internet của địa phương này, ông Hai Đông là người rành nhất nên thường thao tác
hết cho mấy ông bạn mình xem. Những lúc khác, ông lại chuyển sang làm gia sư dạy
vi tính cho các bạn già. Ông Nguyễn Văn Lô tâm sự: "Già cả như tụi tui chỉ sau
quên trước, vả lại máy vi tính toàn tiếng Anh nên khó học lắm. Tui chi mong học
lỏm cho biết để gõ văn bản, vô mạng là đủ rồi".
Trong khi đó, anh Mười quả quyết: "Tới đây, nông dân của chúng
tôi sẽ lần lượt học vi tính. Họ bảo tôi mở một dịch vụ Internet chừng chục máy
để ai có nhu cầu thì vô đó lục lọi chứ không chạy đi kiếm sách hay tìm mấy ông
kỹ sư nông nghiệp. Bây giờ nhiều xã viên đã biết xem tin tức thời sự, kỹ thuật
trồng các loại cây, thị trường giá cả... trên mạng Internet rồi. Có nhiều người
bán lúa xong lấy tiền mua máy vi tính về tự học, tự vô mạng rồi chứ giỡn đâu".
Tuổi Trẻ |