Bệnh thương hàn ở vịt, ngan
Bệnh thương hàn Salmonellosis ở thuỷ cầm là một bệnh truyền nhiễm cấp hoặc mãn tính, bệnh gây bởi một hoặc nhiều giống vi khuẩn Sallmonella. Vi khuẩn Salmonella spp. phân bổ rộng rãi trong thiên nhiên. Gia súc, gia cầm và con người thường bị nhiễm hoặc là vật mang vi khuẩn. Bệnh thương hàn vịt đóng vị trí quan trọng trên hai mặt là bệnh thường xuyên nổ ra, nhất là đối với vịt con, đôi khi gây tỷ lệ chết cao và thứ hai là gây nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng bởi các chủng Salmonella. Bệnh phó thương hàn ngan, vịt phân bổ khắp mọi miền trên thế giới.
Nhiều gia cầm chỉ bị nhiễm một chủng Salmonella, nhưng một số khác thì có thể bị nhiễm nhiều chủng một lúc. Các chủng vi khuẩn Salmonella khu trú thường xuyên trong ruột và manh tràng của vịt, ngan. Vịt, ngan ở mọi lứa tuổi đều mẫn cảm và có thể bị nhiễm Salmonella, nhưng bệnh lâm sàng thường chỉ thấy ở vịt, ngan con dưới 3 tuần tuổi. Đối với vịt, ngan lớn hơn, bệnh thường ở thể mãn tính. Salmonella Pullorum và Salmonella gallinarum là hai tác nhân gây bệnh phó thương hàn cho gia cầm nhưng lại có ý nghĩa trong bệnh phó thương hàn vịt, ngan. Người ta đã ghi nhận vịt, ngan con nhiễm S. pullorum khi nhốt chung với gà bị bệnh bạch lỵ nhưng bệnh không biểu hiện khuynh hướng lây truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Còn vi khuẩn S. gallinarum được ghi nhận trong một số trường hợp có thể gây bệnh tự nhiên làm thiệt hại lớn đối với vịt, ngan con 1 - 14 ngày tuổi. Nhưng nhiều người cho rằng khó mắc bệnh do loại vi khuẩn này hơn gà. Còn vi khuẩn S. anatum thường gây chết đột ngột ở vịt, ngan con, nhưng đôi khi bệnh tiến triển ở thể mãn tính chỉ trong vài ngày. Các serotype Salmonella khác nguy hiểm hay gây bệnh cho ngan, vịt là S. typhimurium, S. enteritidis, và ít ảnh hưởng hơn là các chủng S. panama, S. give.. Salmonela là phẩy khuẩn Gram âm, di động, không tạo nha bào, mọc tốt trong môi trường nuôi cấy bình thường, Salmonella rất mẫn cảm với nhiệt độ và với hầu hết các loại thuốc tẩy trùng. ở nhiệt độ bình thường, vi khuẩn tương đối bền vững. Mầm bệnh xâm nhập chủ yếu qua thức ăn, nước uống. Một trong những đường truyền bệnh quan trọng là truyền dọc qua trứng. Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện thấy sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella từ lòng đỏ trứng vịt. Con đường lây truyền thứ hai là sự xâm nhiễm vi khuẩn Salmonella qua vỏ trứng. Từ phân, Salmonella thường gây ô nhiễm vỏ trứng trong quá trình đẻ hoặc từ ổ đẻ.
Khi một trại có tiềm tàng bệnh, triệu chứng đầu tiên là tỷ lệ trứng ung và phôi chết, trứng nở không cao. Vịt con có thể chết ngay trong lồng ấp hoặc những ngày đầu tiên sau khi nở, thậm chí không hề biểu hiện bất cứ một triệu chứng lâm sàng nào. Vịt, ngan bị bệnh đI tiêu chảy nặng, mất nước nghiêm trọng, ủ rũ, xã cánh, lông dựng ngược, sau đó quỵ xuống và suy sụp. Tỷ lệ ốm cao, nhưng tỷ lệ chết chỉ dưới 10%. Triệu chứng thần kinh chủ yếu là loạng choạng, run, lắc đầu và ngoẹo cổ ở một số con. Bệnh nặng nhẹ phụ thuộc nhiều ở chế độ chăm sóc quản lý, vào tình trạng thiếu vitamin A hoặc các ảnh hưởng stress. Bệnh phó thương hàn có thể là bệnh thứ phát sau khi phát các bệnh viêm gan siêu vi trùng và nhiều bệnh do siêu vi trùng khác.
Tổn thương đại thể là hoại tử điểm ở gan; thận đổi màu và chứa muối urat trắng; lách sưng to và cũng có những biến đổi tương tự như ở gan và thận. Manh tràng sưng lên, bên trong chứa từng cục như bã đậu. Niêm mạc trực tràng viêm và sưng lên chứa nhiều dịch trắng. Trong chẩn đoán, người ta phải kết hợp cả các triệu chứng lâm sàng và phân lập vi khuẩn từ tim, gan, ruột và não, đặc biệt những trường hợp con bệnh có các triệu chứng thần kinh.
Chưa có vaccin hữu hiệu để tiêm phòng cho ngan, vịt. Do đó, các loại Sulfonamid và các kháng sinh thường được dùng trong phòng và chữa bệnh một cách có hiệu quả. Chlotetracylin, oxytetracylin hàm lượng 0,044% với thức ăn cũng cho kết quả điều trị tốt. Các hỗn hợp Sulfonamid với Trimethoprim, dùng liều 0,04 - 0,08% với thức ăn cũng cho kết quả phòng bệnh cao, giảm tỷ lệ vịt chết do bệnh. Hãy chủ động dùng liều phòng bệnh phó thương hàn ngan, vịt. Hãy chủ động dùng liều phòng cho vịt con ăn thường xuyên từ lúc bóc trứng đến khoảng 2 tuần tuổi thì ngăn chặn được bệnh, giảm tỷ lệ vịt con chết do bệnh này và nhiều bệnh tiêu chảy khác ở vịt, ngan con. Phòng bệnh rất có ý nghĩa và liên quan đến chế độ chăm sóc, vệ sinh và, nuôi dưỡng vịt ở những tuần tuổi đầu. Có chế độ nuôi vịt giống, sử lý và vệ sinh trứng, lồng ấp trước khi đưa trứng vào ấp. Diệt nấm, khử trùng máy ấp bằng Formol sẽ có tác dụng tốt chống nhiễm Salmonella xâm nhiễm qua vỏ trứng. Vệ sinh thú y: Sát trùng chuồng trại sau mỗi đợt xuất gà, thường xuyên tẩy uế máng ăn, máng uống.
Nguyễn Thắng (Đài tiếng nói Nhân dân Tp Hồ Chí Minh) |