Những nguyên tắc phòng bệnh cho cá nuôi
Nghề nuôi cá ở các tỉnh phía Nam đang ngày càng phát triển. Một nghề không chỉ mang lại nguồn dinh dưỡng có gía trị trong bữa ăn hàng ngày cho người nuôi thả mà còn có thu nhập đáng kể bên cạnh cây lúa, con heo, con gà vịt hoặc vườn cây ăn trái khác...
Gần đây nhất, các loại cá như rô phi đơn tính, rô phi rằn, cá điêu hồng đang được nhiều bà con ở các tỉnh miền Tây Nam bộ thả nuôi vì đang có hướng đầu ra. Theo ước tính sản lượng các loại cá này có thể đạt 40.000 tấn trong năm 2003. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình hình bệnh cá có hướng tăng theo sự phát triển của nghề cá. Do đó phòng bệnh là một biện pháp tích cực và có ý nghĩa quyết định nhất trong nghề nuôi thủy hải sản, đặc biệt trong hệ thống ương ấp cá con. Phòng bệnh tức là áp dụng các biện pháp để tránh đưa mầm bệnh từ ngoài vào hệ thống ương nuôi hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển như chăm sóc và cho cá ăn đầy đủ về chất và lượng thức ăn để cá khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt với bệnh.
Có 3 cách phòng bệnh:
Dựa vào việc quản lý môi trường và kỹ thuật nuôi: Cần thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật nuôi, tức là sau mỗi vụ ương nuôi cần sên vét ao, bón vôi 10-15 kg/100 m vuông ao, phơi đáy ao 3-5 ngày nhằm diệt mầm bệnh, kiềm hóa môi trường và diệt tạp. Nguồn nước ương nuôi cá phải lấy từ nguồn nước sạch, không bị nhiễm bẩn từ chất thải nông nghiệp, chất thải công nghiệp... Cá thả nuôi phải là cá khoẻ mạnh, mật độ ương nuôi vừa phải, tỷ lệ ghép thích hợp để tận dụng hé6t nguồn thức ăn trong ao và tránh cho thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước. Tránh gây xáo trộn trong đời sống của cá như gây sốc cho cá. Đặc biệt ở cá con như không nên thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường như nhiệt độ, oxy hòa tan, độ pH... Tránh gây xây sát cá trong quá trình đánh bắt, sang ao, lọc cá. khi bị sốc sức đề kháng của cá sẽ giảm và dễ bị các sinh vật gây bệnh tấn công.
Dựa vào biện pháp sinh học: là biện pháp tốt, làm tăng sức đề kháng của cơ thể cá để chống lại bệnh. Đó là cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là ở cá con phải lưu ý lúc cá chuyển tập tính ăn. Lai tạo ra giống cá có khả năng đề kháng bệnh tốt hơn.
Dựa vào thuốc và hóa chất để phòng bệnh: Các dụng cụ ương nuôi cá như lưới, thao, xô, vợt, ống dẫn nước, sàn ăn... hoặc bể ương, bể ấp cần được khử trùng bằng Chlorin 50 g/m khối nước hoặc phơi nắng. Đầu mùa dịch bệnh hoặc cá mới chớm bệnh, ta có thể dùngmột số thuốc treo nơi dòng nước để phòng bệnh. Ví dụ dùng Sulfat đồng, vôi bột hoặc cây cỏ thuốc nam như lá giác, lá xoan, lá trầu treo nơi đầu nguồn nước để phòng các bệnh ghẻ lở, bệnh trắng da, bệnh mất vảy và ký sinh trùng cho cá nuôi trong bè và ao. Cá giống mua về, trước khi thả xuống ao, bè nuôi cần được khử trùng bằng muối ăn với liều lượng 1 kg muối/100 lít nước trong 10-15 phút. Xác cá bệnh và nước thải từ bể cá bệnh cần được xử lý bằng Chlorin 200 g/m khối nước/giờ trước khi xả ra môi trường bên ngoài. Nhằm tránh mầm bệnh lây lan cho những lần sản xuất kế tiếp và các ao nuôi bên cạnh.
Trên đây là một số biện pháp để phòng bệnh cho cá nuôi. Bà con có thể tham khảo, thử nghiệm để tìm ra phương cách áp dụng có hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương mình.
Nguyễn Thắng (Đài tiếng nói Nhân Dân Tp Hồ Chí Minh) |