Phòng trừ sâu bệnh cho bưởi theo hướng sinh học
Sử dụng bẫy màu vàng và trồng cây nguyệt quế Giải pháp này nhằm thu hút và tiêu diệt côn trùng có hại, đồng thời dự báo được số lượng cũng như thành phần côn trùng gây hại hiện diện trên vườn để có biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Nên trồng cây nguyệt quế (là cây ký chủ của rầy chổng cánh) xung quanh vườn để tự hút rầy chổng cánh đến và phun thuốc tiêu diệt chúng.
Dùng giấy, túi nilon, túi bao trái chuyên dùng
Sẽ hạn chế sự tích lũy dư lượng thuốc BVTV trong trái, giảm chi phí sản xuất, ngăn ngừa sâu bệnh tấn công, để tạo trái cây sạch, mẫu trái đẹp làm tăng giá trị thương phẩm. Tùy theo giống, tuổi cây và tình trạng sinh trưởng, nhưng thời gian để bao trái là 10-16 tuần sau khi đậu trái sẽ có tác dụng tốt trong cải thiện màu sắc vỏ trái. Trước khi thu hoạch khoảng 2 tháng cần tháo bỏ các túi bao trái để trái có màu sắc hấp dẫn hơn.
Dùng các hoạt chất có tính chất dẫn dụ sinh học
Sử dụng các sản phẩm như Duzibonz, Sofri Protein... dẫn dụ ruồi đục trái vào bẫy để tiêu diệt.
Sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học
Trên thị trường hiện có các sản phẩm trừ sâu sinh học như: Dipel, Aztron, Bitadin... mà thành phần là bacillus thuringiensis có hiệu quả trong việc phòng trừ một số sâu bệnh hại trong vườn. Các sản phẩm như: Olicide được chiết suất từ vỏ tôm cua, nấm Trichoderma phòng ngừa bệnh hại khá hiệu quả, dầu DC-tronplus (chế phẩm từ dầu mỏ) cũng phòng trừ sâu hại rất tốt. Ngoài ra có thể sử dụng các loại thuốc gốc đồng, lưu huỳnh để phun lên cây phòng ngừa sâu bệnh.
Dùng vòi nước có áp lực mạnh
Nhện là loài côn trùng gây hại đáng kể cho vườn cây có múi nói chung. Trái bị nhện tấn công làm giảm giá trị thương phẩm, bán giá thấp. Theo một nghiên cứu của Thái Lan, ở giai đoạn phát triển mà sử dụng nước từ kênh mương trong vườn phun lên cây bằng vòi nước có áp lực mạnh sẽ giảm đáng kể nhện và côn trùng gây hại. Ở ĐBSCL, nhiều nhà vườn cũng áp dụng biện pháp này rất hiệu quả.
Nuôi kiến vàng
Nuôi kiến vàng trên cây có múi là biện pháp phòng trừ sinh học đối với một số loài côn trùng gây hại. Kiến vàng có khả năng khống chế mật số của hai loài sâu vẽ bùa và rầy mềm rất tốt. Với số lượng khoảng 200-500 con kiến vàng/cây sẽ có khả năng khống chế hai loài gây hại này. Ngoài ra, kiến vàng còn có khả năng khống chế và làm giảm đáng kể nhiều loài gây hại khác như: sâu ăn lá, bọ xít, rầy chổng cánh, nhện...
Nguồn tin: NTNN
|