Kinh nghiệm thâm canh vải thiều
Để tiện cho việc theo dõi và thực hiện, xin nêu những công việc cần phải làm qua các tháng trong năm.
Tháng 1: Thời kỳ cây phân hóa mầm hoa, cần phải khống chế lộc đông, để cây tập trung dinh dưỡng phân bón được nhiều mầm hoa. Có thể khống chế lộc đông bằng nhiều cách: Cuốc lật xung quanh tán cây rộng 40 – 50cm, sâu 4 – 5cm quanh mép ngoài của tán lá, hạn chế bón phân tưới nước, khoanh vỏ ở cành cấp II.
Tháng 2: Thời kỳ cây phát triển nụ hoa, cần theo dõi tình hình sinh trưởng của cây. Công việc chính là cắt bỏ cành tăm, cành vô hiệu, bón phân thúc nhẹ (tưới nước phân chuồng ngâm với phân lân hoặc tưới nước phân đạm pha loãng) chỉ bón cho những cây đã xuất hiện rõ mầm hoa.
Dùng Sapen Alpha 5EC hỗn hợp với Carbenzim 500 FL phun trừ bọ xít, rệp, bệnh thán thư.
Tháng 3: Thời kỳ cây nở hoa, tạo mọi điều kiện cho hoa nở và thụ phấn tốt. Biện pháp là thả ong để lấy mật, phun thuốc kích thích đậu quả. Dùng See Saigon 25 EC hỗn hợp với Alpine 80 WP để trừ bọ xít, rệp, bệnh sương mai.
Tháng 4: Thời kỳ cây mang quả non, cần hạn chế rụng quả sinh lý và sâu, bệnh hại. Dùng phân Multi –k (13-0-46) pha nồng độ 1 – 2% hỗn hợp với một trong các loại thuốc trừ sâu Sapen Alpha 5EC, See Saigon 25EC, Sherpa 25 EC, gà nòi 95 SP… và một trong các loại thuốc trừ bệnh như Alpine 80WP, Carbenzim 500 FL, Bendazol 50 WP, Zineb 80 WP và thuốc trừ nhện, phun định kỳ 7 – 10 ngày một lần. Đợt phun này nhằm hạn chế rụng quả sinh lý, trừ bọ xít, rệp, bệnh sương mai, bệnh thán thư, bệnh nhện lông nhung.
Tháng 5: Quả phát triển, tạo điều kiện cho quả phát triển tối đa về kích thước. Công việc chính là phun hỗn hợp phân Multi-k với thuốc trừ sâu, trừ bệnh như tháng 4. Mục đích để quả to, mã đẹp và không bị sâu đục cuống quả, bệnh biến màu vỏ quả.
Tháng 6: Quả chín, cần theo dõi tốc độ chín và mầu sắc của quả. Không tưới nước, thoát nước nhanh khi mưa to. Tiếp tục phun các loại thuốc trừ sâu, phòng sâu đục cuống quả. Ngừng phun các loại thuốc trước khi thu hoạch từ 15 – 20 ngày, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tháng 7: Phục hồi cho cây sau thu hoạch và thu hoạch nốt những cây chín muộn. Cắt bỏ những cành bị gẫy, bị khô… vệ sinh thực vật. Bón 100% phân chuồng, 1/2 số lượng đạm, lân, kali bón cho cả năm. Dùng gà nòi 95SP phun đẫm vào cành, thân, để đề phòng sâu đục thân.
Tháng 8: Cây phục hồi phát triển thân lá, tiếp tục tỉa cành tạo tán, phun thuốc Lyphoxim 41 SL để trừ cỏ dại và chống xói mòn. Tưới nước phân chuồng ngâm với phân lân và phun thuốc trừ sâu bảo vệ tán lá.
Tháng 9: Cây phát triển cành mang quả cho năm sau và hoàn chỉnh tán lá. Tiếp tục cắt tỉa những cành tăm và những cành không theo ý muốn. Bón phân chủ yếu là đạm, lân và kali, phòng trừ sâu bệnh, để hoàn chỉnh đợt lộc cuối cùng trước khi bước vào đông.
Tháng 10: Cây hoàn thành đợt lộc thu cuối cùng, công việc chính là hạn chế bón phân tưới nước, nhất là phân đạm.
Tháng 11: Cây phát triển lộc thu thuần thục, yêu cầu không để cây ra lộc mới. Hạn chế độ ẩm trong vườn, cuốc lật đất toàn vườn, áp dụng các biện pháp khống chế lộc đông.
Tháng 12: Cây bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa, tiếp tục khống chế lộc đông bằng cách tiện vỏ, phun hóa chất hoặc ngắt bằng tay.
Thực hiện hoàn chỉnh và đồng bộ các biện pháp này cây vải năm nào cũng sai quả.
Nguồn tin: NNVN |