Hiện tượng nứt quả nho và một số biện pháp phòng ngừa
Trong thời gian qua, người dân trồng nho ở Ninh Thuận phải đối mặt với
hiện tượng quả nho bị nứt, nhất là vào giai đoạn quả bắt đầu chín bói đến khi
thu hoạch. Không ít nông dân có chung suy nghĩ, nguyên nhân làm quả nho bị nứt
là do một đối tượng sâu bệnh hại (chưa xác định) gây nên. Chính vì vậy, lại rượt
đuổi với công tác phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một trong những
sai lầm mà nông dân trồng nho cần phải hiểu rõ hơn cơ chế sinh lý của cây trồng
nói chung, quả nho nói riêng.
Hiện tượng này ta thường hay gặp trên giống
nho đỏ (Cardinal), khi nho vào giai đoạn chín nếu gặp thời tiết thay đổi bất
thường như mưa lớn hoặc đêm có sương thì hiện tượng này xảy ra rất phổ biến. Đây
là một trong những nguyên nhân chính làm giảm năng suất và phẩm chất nho. Tại
vùng Ninh Thuận, nhất là trong điều kiện khí hậu thời tiết khô, quá trình thoát
hơi nước của quả bị cản trở do chênh lệch cao về áp suất trong quả và môi trường
bên ngoài sẽ ảnh hưởng lớn đến hiện tượng nứt quả trên cây nho. Thông thường quả
nho bị nứt vào lúc bắt đầu chín đến thu hoạch. Hiện tượng nho nứt quả, thường do
một số nguyên nhân sau:
- Nứt sinh lý: Hiện tượng này thường gặp khi thời
tiết quá khô hoặc quá ẩm khi trời có mưa hoặc sương.
- Nứt do sâu bệnh
và nhện tấn công gây hại vào giai đoạn quả còn non, chúng làm rách bề mặt vỏ quả
nho hoặc tạo ngay chỗ vết thương trên vỏ quả một lớp sần sùi, chai cứng. Đây là
nguyên nhân chính gây nên hiện tượng nho bị nứt quả. Bọ trĩ, nhện vàng và bệnh
phấn trắng (nông dân hay gọi nấm xám) là những tác nhân gây hại chủ
yếu.
- Chế độ phân bón (dinh dưỡng) không cân đối, đặc biệt là bón thừa
đạm hoặc tưới nước không đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân chính gây
nên hiện tượng này.
- Một số nguyên nhân khác như: Cột cành không kịp
thời làm cho chùm nho va chạm vào dây thép,… gây xây sát vỏ hoặc tỉa quả làm cho
vỏ quả bị tổn thương,… Những nguyên nhân này thường ít xảy ra và chỉ xảy ra cục
bộ.
Như vậy chúng ta khẳng định rằng: Hiện tượng nứt quả nho không phải
do đối tượng dịch hại trực tiếp gây nên mà là hậu quả của công tác phòng trừ sâu
bệnh không hợp lý, bón phân không cân đối, tưới nước không đảm bảo,… Để hạn chế
hiện tượng nứt quả nho là rất cần thiết, cần chú ý một số biện pháp
sau:
+ Phòng trừ sâu bệnh hợp lý, kịp thời, nên phòng trừ sớm ngay từ khi
quả còn nhỏ là rất cần thiết. Đặc biệt chú ý bệnh phấn trắng (do nấm Uncinnula
neccator), bọ trĩ và nhện vàng. Hạn chế đến mức thấp nhất vết thương trên vỏ quả
do các đối tượng trên tấn công, gây hại vào giai đoạn còn non.
+ Cần cột
cành, tỉa quả,… kịp thời nhằm tránh hiện tượng va chạm làm tổn thương vỏ quả
nho.
+ Cần bón cân đối dinh dưỡng, chú ý giai đoạn nho bắt đầu chín bói
không nên lợi dụng phân đạm.
+ Chế độ tưới nước phù hợp, tránh tình trạng
để quá khô rồi mới tiến hành tưới nước cho vườn nho, nhất là giai đoạn quả
lớn.
+ Cần tỉa kịp thời các quả đã bị nứt, tránh sự lây lan.
+ Có
thể dùng chất điều hòa sinh trưởng, phân qua lá để phun nhằm giảm tỷ lệ nứt quả.
Nhưng chú ý hạn chế sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm cao.
+ Bên
cạnh đó, trong thời gian đến cần chú ý chọn lọc và lai tạo các giống nho có vỏ
dày sẽ hạn chế hiện tượng
trên.
Theo
Báo Ninh Thuận (Viện Nghiên cứu & Phát triển cây trồng)
|