Nữ ngư phủ anh hùng VN vẫn đứng đầu sóng.
Nhiều người biết chị là nữ thuyền trưởng-ngư phủ đầu tiên của Việt Nam, là người phụ nữ can trường điều khiển con tàu TG-2032TS nhỏ bé vật lộn giữa mắt cơn bão Linda khủng khiếp năm 1997 tại ngư trường vùng đảo Lãi Sơn (Kiên Giang) cứu sống 36 nạn nhân. Nhưng ít người biết chị đã "giành giật" với đàn ông như thế nào để khẳng định mình khi làm nghề của đàn ông, khi vật lộn với cuộc sống khắc nghiệt...
Thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng vừa lên xe hoa giữa tháng2/2006, ngay trước Valentina hai ngày. Chú rể là một thương gia người Úc. Đám cưới dù chỉ được tổ chức tại một khách sạn nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn, gần chợ Bến Thành nhưng rất vui. Đông đảo bạn bè xa gần đã đến mừng cho họ. Trong số đó có những vị thuyền trưởng tàu viễn dương ("những người mà theo logic thông thường sẽ không thèm để mắt đến cô thuyền trưởng tàu cá nhỏ bé như tôi" - chị Hồng nói vui), đại diện tổng lãnh sự quán Úc và cả những người chưa hề quen mặt biết tin tìm đến... Có người còn hát mừng những bài hát do mình tự sáng tác.
Chú rể biết cô dâu qua một cô bạn người Việt Nam làm ở lãnh sự quán Úc. Bấy giờ, với thành tích đổ xuống biển 50 tấn cá cơm khiến con tàu nhẹ đi để cứu 36 người trong cơn bão Linda, chị Hồng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2000 và trở thành vị khách thường xuyên của các cuộc mitting kỷ niệm quốc khánh mà các lãnh sự quán tổ chức.
Ông thương gia người Úc gởi email cho chị Hồng, đề nghị gửi ảnh cho mình xem. Chị trả lời: "Em là phụ nữ nên không thể chủ động trong tình cảm!". Câu trả lời của chị gây cho ông một ấn tượng mạnh. Khi ông gửi tấm ảnh chụp gương mặt phúc hậu của mình cho chị Hồng, giác quan thứ sáu của người nữ thuyền trưởng đã mách bảo rằng người đàn ông này đáng tin cậy. Ngay sau đó, ông nhận được ảnh của chị. Vẻ hiền dịu, "giòn gái" và rắn rỏi của người phụ nữ mỗi năm có 10 tháng lênh đênh trên biển, đối mặt với chừng 5 - 6 cơn bão lớn đã chinh phục ông.
Hai người quen nhau được hơn một năm thì ông mới biết chị là Anh hùng lao động, từng bỏ tài sản riêng để cứu mấy chục con người. Và ông mới biết người mà mình hằng gọi điện, gửi thư, tin nhắn là người từng hàng ngày vật lộn với sóng gió - điều mà không nhiều nam tử sức dài vai rộng làm được. Tình yêu càng được nhân lên khi nó pha lẫn lòng cảm phục, kính trọng. Ông tâm sự, ông tìm được ở chị những nét của phụ nữ Việt Nam mà ông được biết.
Hai người chỉ gặp mặt nhau 5 ngày trước khi cưới. Người ngoài không biết có thể gọi đó là mối tình kỳ lạ. Nhưng để có bước đi thần tốc đó, họ đã tìm hiểu nhau suốt 3 năm - cách tìm hiểu dè dặt của những người đứng tuổi, từng trải muốn tìm một tổ ấm đích thực. Và hơn hết, để có bước đi thần tốc đó, người ta phải có sức cảm hóa được đào luyện qua suốt những chặng đường chông gai.
Bây giờ chị đã là vợ của một ông Tây giàu có. Chị đã tạm rời nghề biển, vì "cá dạo này ít quá, một chuyến thu mua cá cơm về làm nước mắm kéo quá dài và thường lỗ tới 30 - 40 triệu đồng (!)", nhưng chị vẫn thế. Trước mắt chúng tôi vẫn là người phụ nữ dỏng cao; tay chân săn sớ như thân đước; ánh nhìn kiên định cứ như vẫn còn ôm ghì lấy cái bánh lái mà ngước vào những con sóng trước mặt. Chị bảo: "Tôi vẫn thế nên người ta mới yêu tôi!".
Ngôi nhà giản dị ở khu phố Tân Hà, phường Tân Long, thành phố Mỹ Tho, nơi mà chị sống cùng gia đình, nay có một căn phòng được dành riêng cho cặp vợ chồng mới. Vẫn bộ bàn ghế lên nước láng bóng, thoáng mùi của thời gian, vẫn những bữa cơm thuần món ăn Việt như không có sự đi về của một người ngoại quốc.
Từ nhỏ chị đã nổi tiếng ương bướng. Những người xung quanh chị thường nói: "Con nhỏ nó thế, nó đã muốn là làm, tốt nhất đừng ngăn cản!". Chị bắt đầu đi biển từ năm 1982. Theo lời "chiêu dụ" của bà cô, chị từ bỏ nghề giáo viên dấn thân ra ngư trường. Chỉ sau ít tháng, chị Hồng đã đứng vai thuyền trưởng con tàu TG-2032TS tải trọng 60-70 tấn, gồm 6 thủy thủ, một bà chủ buôn già và một chú chó Nhật có tên Becky, dù chưa có một mảnh bằng hàng hải.
Chị vẫn còn nhớ cái lần đi thu mua cá cơm trên tàu Phú Quốc. Theo thông lệ, các tàu đều kiêng phụ nữ lên tàu để tránh gặp xui. Thông lệ này không gây phiền phức gì nhiều vì dân đi biển toàn đàn ông. Hồng bơi chiếc xuồng ba lá từ tàu của mình sang tàu Phú Quốc chọn cá. Thủy thủ khăng khăng không cho chị lên. Chị đứng trên xuồng, tay chống nạnh, "tru tréo": "kiêng như vậy là vô lý, vợ chồng nhà các anh cùng làm lụng mà mua được tàu, mắc mớ gì cấm vợ lên tàu". Rằng, "xui xẻo là do tay nghề các ông, liên quan gì tới tôi, tôi lên chỉ có mang lợi nhuận cho các ông"... Sóng vã vào mạn tàu, đập trở ra, làm ướt đầm quần áo chị.
Hết kiên nhẫn, chủ tàu đành cho chị lên. Đứng trên tàu, Hồng lại liên tu một hồi: "Mắc mớ gì cấm tôi bước qua mũi tàu! Ông cũng từ đàn bà mà chui ra thôi...". Từ đó, cái thông lệ này dần được các tàu ở khu vực Phú Quốc từ bỏ.
Hồng bảo, những lần "giành giật" như thế chỉ lời qua, tiếng lại, chưa đến mức xô xát. Không như hồi còn nhỏ, mấy lần chị phải đánh lộn với con trai. Khi học lớp 5, một hôm đang ngồi chơi với mấy nhỏ bạn, Hồng bị thằng cu học cùng lớp nhảy qua đầu. Nóng máu, Hồng bật giậy, níu lấy thằng cu. Nó hất chị ra. Hồng dùng hết sức của đứa con gái ham bơi lội, chạy nhảy, đè nó xuống, tát tai liền mấy cái. Nó khóc tru lên... Lần khác, một đứa con trai, thấy nhà chị toàn con gái nên có ý coi thường. Mỗi lần đi ngang qua nhà, nó lại réo tên ba Hồng. Một tối, Hồng núp gốc cây, chờ nó đi qua, chị túm lấy, giữ chặt hai tay. Cứ mỗi câu hỏi: "Có dám réo tên ba tao nữa không?", nó ương ngạnh trả lời có, Hồng lại tát tai một cái...
Kể đến đó, Hồng cười, cái cười mang duyên mặn, thoảng chút hoang dã.
"Làm đàn bà trên bờ đã chịu thiệt rồi, làm đàn bà đi biển còn thiệt nữa" - Chị thủ thỉ. Thời gian đầu chị làm thuyền trưởng, thủy thủ thường không tin tưởng. Một lần, tàu đang neo trên vùng biển Kiên Giang, chợt thấy một cuộn mây đen, bằng kinh nghiệm đi biển, chị biết sắp có giông lớn, liền ra lệnh cho tàu nhổ neo, chạy về phía sau hòn (đảo nhỏ) để tránh giông. Đám thủy thủ không tin, thao tác uể oải. Hồng nổi nóng, chụp lấy bánh lái, quát khản giọng, đám thủy thủ sợ cuống lên. Khi tàu núp sau hòn, giông tố nổi lên điên cuồng, đám thủy thủ nhìn Hồng cười gượng gạo, gãi đầu.
Những người được cứu sống trên tàu TG-2032TS trong cái đêm bão Linda kinh hoàng ấy kể lại: Sau khi được kéo lên tàu, phần vì mệt, phần vì sợ hãi, họ nằm xẹp xuống, phó mặc. Có thủy thủ trên tàu đã lả đi vì mệt do phải kéo dây phao vớt người nhiều lần giữa gió xoáy điên cuồng và mưa rát buốt nhưng người nữ thuyền trưởng vẫn kiên cường dán thân mình vào bánh lái. Dưới biển vọng lên những tiếng kêu cứu mạng như từ cõi khác.
Giữa gió xoáy, nước dựng lên thành những con sóng lưỡi búa ập vào từ hai bên, chực đập nát con tàu. Khỏi phải tả nhiều về sức gió, sức sóng của giữa mắt bão Linda. Chỉ biết rằng sau cơn bão, nhiều con tàu lớn bị hất lên đảo, xơ xác như được kéo lên để sửa. Có những xác người bị sóng nhét vào kẽ đá, chặt đến nỗi phải lấy dao chặt tay, chặt chân cho gọn mới lôi ra được... Từ buồng lái, cái dáng cao gầy của người nữ thuyền trưởng tạc vào trời đêm đen kịt. Thỉnh thoảng lại vọng tiếng chị lanh lảnh. Lòng tự ái của đàn ông nổi lên, nhiều người vùng dậy, nắm lấy dây phao kéo người thay cho thủy thủ. Nhiều người lao xuống ghe, xúc cá cơm đổ xuống biển cho con tàu nhẹ bớt...
Trở về từ cái đêm địa ngục đó, Hồng nộp đơn lên Bộ Thủy sản xin đi học đào tạo thuyền trưởng. Chị muốn hợp thức hóa vai trò của mình. Trường hợp chị được xét đặc cách, được tổ chức hội đồng thi riêng chỉ với một thí sinh.
Ngày gia nhập Câu lạc bộ Thuyền trưởng, một mình Hồng là phụ nữ, thuyền trưởng tàu cá rách nát sau bão lọt thỏm giữa cánh thuyền trưởng tàu viễn dương bệ vệ, giàu có. "Nhìn ánh mắt các anh ấy trong những lần đầu tiên sinh hoạt Câu lạc bộ thấy rất ít thiện cảm. Trời, tự ái vô biên luôn!".
Ông Phó Chủ tịch Câu lạc bộ đứng tuổi kéo Hồng lên trước mặt các thành viên nói: "Chúng ta đã có các thành viên là thuyền trưởng tàu viễn dương, bây giờ rất thú vị khi được kết nạp một thuyền trưởng tàu cá vào câu lạc bộ. Tàu cô Hồng nhỏ, nhưng lòng can đảm của cô ấy có thừa, rất đáng khâm phục. Thử hỏi nếu tàu của chúng ta rơi vào bão, liệu chúng ta có làm được như cô ấy, hay chỉ lo bảo vệ tàu mình?...".
Dần dần, những ánh mắt thiếu thiện cảm bớt đi. Mỗi lần Hồng xuất hiện, những buổi sinh hoạt vốn trước đây chỉ toàn nam giới trở nên vui hơn.
Chị từng có duyên với một ông Tây khác. Sau cơn bão Linda, qua báo chí, một thương gia người Pháp tìm đến chị. Ông nhận xét rằng, chị có nét kiên nghị của bà Trưng, bà Triệu, những liệt nữ của Việt Nam xưa. Ông đem lòng yêu, học tiếng Việt để có thể nói chuyện với chị, và một mực muốn chị về Pháp sống cùng, vì gia đình, sự nghiệp hoàn toàn ở đó. Nhưng chị cam lòng từ chối, bởi chị hiểu khi xa quê, không ở gần biển, phải sống dựa vào chồng thì chị không còn mang hình ảnh của chính mình. Trước khi chia tay chị về Pháp, ông đã khóc nhiều.
Một vị tuỳ viên ở lãnh sự quán Úc kém chị 14 tuổi và một Việt kiều Canada vì ngưỡng mộ người con gái can đảm ấy cũng đã ngỏ lời xin được cưới chị. Lại thêm hai lần chị từ chối. "Mình nhan sắc bình thường, lại không còn trẻ nữa thì ràng buộc người ta làm gì!" - Chị nghĩ vậy. Đêm đến, trở về căn phòng một mình, chị kìm nén sự tiếc nuối. Nhiều người nói chị dại...
Thời gian này, Hồng đang lao đao: con tàu bị hư hỏng nặng, thiệt hại ước khoảng 300 triệu đồng. Được Nhà nước hỗ trợ một phần, chị phải dồn kiệt vốn để sữa chữa con tàu. Nhưng biển trở nên khan hiếm cá, đi nhiều thì lỗ nhiều. Chị đành để con tàu lịch sử nằm bẹp một chỗ, lần hồi bán nước mắm kiếm sống qua ngày. Có người hiểu giá trị con tàu, trả giá 700 triệu đồng nhưng chị tiếc, không bán.
Chỉ vì không quên nổi phận lênh đênh sóng nước, chị từng nhận lái tàu du lịch đường sông cho một thương gia người Áo, với thỏa thuận ông này đầu tư tu sửa con tàu của chị thành tàu du lịch. Nhưng người ta yêu cầu chị phải có bằng lái tàu đường sông. Đến khi chị tất tả học xong bằng lái tàu đường sông thì họ đã... thuê người khác.
Ngay cả bây giờ, chị vẫn nuôi ước muốn được lái tàu. Những ngày tháng hào sảng trên biển đã trở nên xa vời vì cả tàu mua cá và tàu du lịch đều dễ bị lỗ. Hơn nữa, đã đứng tuổi, chị muốn ổn định hơn. Anthony Robert Taylor, chồng chị, cứ rong ruổi với những hợp đồng làm ăn ở hàng chục nước, nay cũng muốn được làm ăn ở quê vợ để hai người được gần nhau nhiều hơn. Ông muốn chị giúp ông việc kinh doanh tại Việt Nam sau này. Nhưng chị vẫn thích sắm và tự lái một con tàu đường sông làm du lịch hoặc vận chuyển hàng hóa, để lại được sống với những con sóng... "Cuộc đời tôi đã nghiện sóng mất rồi!"...
Chị kể, hiểu "cơn nghiện" của chị, ông Tây lại nhìn vợ trìu mến, nói câu tiếng Việt ngọng líu: "Anh yêu em lắm lắm!".
bannhanong.vietnetnam.net (21/4/2006)
(Nguồn:VietNamnet)
|