“Hòn ngọc xanh” sẽ tỏa sáng.
Do điều kiện địa lý lịch sử hình thành, dứt khoát và hiển nhiên Cần Thơ phải là trung tâm của khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, làm thế nào để nó trở thành trung tâm thực sự, thu hút nguồn lực cả vùng là điều phải bàn. Đến tận bây giờ, không ít người Cần Thơ vẫn ngại ngùng khi dùng cụm từ “trung tâm” bởi sức nặng của nó.
Trong gần hai thập kỷ qua, ít nhất, cũng đã có hơn mười cuộc Hội thảo quy mô của các nhà khoa học, hoạch định kinh tế trong ngoài nước nhằm tìm kiếm giải pháp khơi dậy tiềm năng, định hướng chiến lược cho vùng đồng bằng, trong đó tâm điểm vẫn là thành phố trẻ Cần Thơ.

Đã là “trung tâm” thì phải mạnh, mạnh về nhân lực, về trí lực, vật lực, phương tiện; là nơi hội tụ, lan tỏa; là sự liên kết, điều phối mang tính vùng…
Ông Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy Cần Thơ trăn trở, đề nghị mọi cán bộ trong nhiệm kỳ mới (2005-2010) phải “câu tay” nhanh chóng tìm lời giải cho 10 câu hỏi mà Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra cho Cần Thơ trước thềm Đại hội: Vì sao kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của thành phố? Các ngành Công nghiệp - Dịch vụ có giá trị gia tăng lớn còn chậm phát triển? Các chỉ tiêu GDP còn thấp so các thành phố khác? Vai trò trung tâm lan tỏa, hấp lực của Cần Thơ còn hạn chế?...
Phát triển phải bắt nguồn chủ yếu từ chính từ nội lực, đó là quy luật. Qua nhiều thập kỷ, Cần Thơ đã tích lũy cho mình một lợi thế mà chưa tỉnh nào trong khu vực có thể so sánh được, đó là cơ sở hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, lực lượng doanh nghiệp…
Đặc biệt là nguồn vốn xã hội rất quý báu: đội ngũ khoa học kỹ thuật, công nghệ nhiều ngành nghề, được đào tạo từ nhiều nguồn, có quan hệ rộng rãi với thế giới... Bắc cầu qua sông Hậu, Quốc lộ 1A được mở rộng, nâng cấp, cảng - sân bay Cần Thơ sẽ trở thành cảng, sân bay Quốc tế… Cần Thơ đang đứng trước cơ hội chưa từng có.
Lộ trình tạo bước đột phá phải chăng bắt đầu từ một “Trung tâm lưu chuyển hàng hóa” được phục hồi, xác định rõ ràng để khơi thông nguồn lực, tạo sự gắn kết cả đồng bằng và nâng tầm cho chính Cần Thơ?
Trong một vùng vẫn còn nặng thuần nông, giá trị sản xuất của kinh tế cá thể, nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn thì việc tập trung xây dựng các trung tâm nhân lực, trung tâm thương mại - dịch vụ; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về giống (cây, con); trung tâm công nghiệp tinh chế thủy hải sản… sẽ nâng tầm, tạo cho Cần Thơ thế đứng độc đáo? Một khu công nghiệp đa chức năng (đô thị tổng hợp) quy mô lớn là lực hút xứng tầm cho “đô thị vùng”?
Chính sách “Hai tỉnh một thành phố” (Thượng Hải và hai tỉnh Giang Tô, Triết Giang) hay còn gọi quyết sách “Đại Thượng Hải” đã khiến kinh tế vùng châu thổ Trường Giang lớn nhất Trung Quốc sống động, tăng vọt sau 10 năm nhập cuộc. Một “Vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ” với tam giác Cần Thơ - Kiên Giang - An Giang - tại sao không?
Yếu tố nhân lực, con người luôn là chìa khóa thành công. Tới năm 2011, Cần Thơ sẽ có tối thiểu 150 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, ưu tiên các lĩnh vực CNTT, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, vật liệu, hóa, xây dựng, giao thông, quy hoạch đô thị, luật, quản trị hành chánh…
Đó là tinh thần của Đề án “Phát triển nguồn nhân lực có trình độ sau đại học” cho TP. Cần Thơ giai đoạn 2005-2011. Đề án 150 nằm trong Đề án Mê Kông 1000, liên kết đào tạo 1.000 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài cho ĐBSCL…
Lịch sử phát triển của ĐBSCL luôn ẩn chứa tính đột biến, bao hàm khả năng sáng tạo vô cùng của những lưu dân mở cõi, luôn phải đối mặt với thách thức, trong một vùng đất nê địa chằng chịt đầy khắc nghiệt. Cần Thơ từng phát triển từ bản lĩnh đó.
Sông Hậu muôn thủa vẫn nước ròng nước lớn nhưng tâm thức con người Cần Thơ đã đổi khác lắm rồi. Một “hòn ngọc xanh “bên bờ sông Hậu đang dần tỏa sáng.
bannhanong.vietnetnam.net (20/04/2006)
(Nguồn:Sggp) |