Hiệu quả hợp tác kinh tế hai thànhnh phố HCM và Cần Thơ.
Hợp tác để bổ sung cho nhau những điểm mạnh, khắc phục mặt yếu, hỗ trợ nhau cùng phát triển đã và đang là mục tiêu chung của hai thành phố Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ. Thời gian qua, hiệu quả từ mối liên kết này đã minh chứng cho một hướng đi đúng...
Lợi thế phát triển.
Sau 5 năm thực hiện (2001-2005), Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với TP Cần Thơ đã mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy kinh tế-xã hội 2 địa phương tăng trưởng. Trong đó, hiệu quả hợp tác được thể hiện rõ nét trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại-dịch vụ - du lịch, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp...
Thời gian qua, lãnh đạo ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ rất quan tâm đến việc hợp tác để hỗ trợ nhau cùng khai thác các tiềm năng phát triển như chế biến gỗ, sản xuất cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm. Ở địa bàn TP Cần Thơ hiện có khoảng 220 đơn vị doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, thức ăn gia súc... Các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đầu tư vào địa bàn TP Cần Thơ bằng nhiều hình thức như liên doanh liên kết, cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ; đầu tư 100% vốn. Nhiều công ty liên doanh giữa một đối tác ở TP Hồ Chí Minh với một đối tác ở TP Cần Thơ đã khá thành công trong việc bổ sung cho nhau những trang thiết bị hiện đại, kinh nghiệm quản lý, khai thác tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ, mở rộng địa bàn tiêu thụ sản phẩm...
Công ty Phân bón Hóa chất Cần Thơ hợp tác với Nhà máy Phân bón Hóa chất Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) sản xuất phân bón NPK cung ứng cho vùng ĐBSCL. Còn Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ hợp tác với Công ty May Việt Tiến hình thành nên Công ty TNHH Tây Đô thu hút hơn 2.000 lao động và sản xuất hàng triệu sản phẩm/năm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu... Riêng lĩnh vực chế biến lương thực, năng lực chế biến của các doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác chiếm khoảng 50% trong tổng công suất chế biến khoảng 2,5 triệu tấn/năm của TP Cần Thơ.
Trong lĩnh vực thương mại-du lịch, ở TP Cần Thơ hiện nay nhiều doanh nghiệp của 2 thành phố hoạt động dưới hình thức liên doanh đang chiếm ưu thế. Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ liên doanh với Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng Siêu thị Co.opMart Cần Thơ. Sau 2 năm hoạt động, siêu thị này đã khẳng định vai trò là trung tâm bán lẻ lớn nhất ở vùng ĐBSCL. Trung bình mỗi ngày hiện có hơn 5.200 lượt người đến siêu thị này mua sắm. Ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ cho biết: “Thành công lớn nhất của Siêu thị Co.opMart Cần Thơ là cung cấp cho người tiêu dùng ĐBSCL những hàng hóa chất lượng cao được sản xuất từ nơi khác chuyển đến. Đây còn là nơi để quảng bá và tiêu thụ các món ngon vật lạ của vùng ĐBSCL như trái cây, thực phẩm chế biến, hàng may mặc...”. Công ty Du lịch Cần Thơ liên doanh cùng Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn thành lập Công ty liên doanh Sài Gòn-Cần Thơ kinh doanh nhà hàng, khách sạn 3 sao. Năm 2005, tỷ lệ lợi nhuận của Công ty liên doanh Sài Gòn-Cần Thơ đạt hơn 11% trên tổng vốn đầu tư. Ngoài những điển hình nêu trên, ở TP Cần Thơ còn có rất nhiều đơn vị doanh nghiệp khác đến từ TP Hồ Chí Minh đã và đang ăn nên làm ra.
Tuy nhiên, Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ thì Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với TP Cần Thơ trong 5 năm vừa qua cũng còn những hạn chế nhất định. Hợp tác phát triển kinh tế giữa 2 thành phố trong thời gian qua có bước phát triển nhanh so với giai đoạn trước đó, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của một thành phố được xem là động lực phát triển của đất nước và một thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL. Một số sở, ngành của 2 thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ chưa chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác...
Triển vọng mới.
Đầu tháng 3-2006, Sở Công nghiệp Cần Thơ phối hợp cùng Sở Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp mặt các doanh nghiệp cơ khí của 2 thành phố tại Cần Thơ để giới thiệu về những cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư. Dịp này, các doanh nghiệp cơ khí của hai địa phương trao đổi, giới thiệu cho nhau về thực trạng sản xuất và nhu cầu hợp tác trong thời gian tới. Ông Nguyễn Trí Tuệ - Chủ Doanh nghiệp Tư nhân Trí Tuệ chuyên sản xuất cao su kỹ thuật cao ở Trung tâm Công nghiệp Tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn-Hàng Bàng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho rằng buổi giao lưu này rất bổ ích cho các doanh nghiệp cơ khí của 2 thành phố. Riêng ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Công ty Máy nông nghiệp miền Nam-Vikyno (TP Hồ Chí Minh) phát hiện: Ngành cơ khí Cần Thơ có thế mạnh trong ngành đúc và sản xuất phụ tùng thay thế, nên có đủ điều kiện hợp tác với Công ty Máy nông nghiệp miền Nam-Vikyno trong việc sản xuất các máy nông ngư cơ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Võ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp TP Cần Thơ phấn khởi nói: “Cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp cơ khí và lãnh đạo Sở Công nghiệp giữa 2 thành phố đã mở ra triển vọng thúc đẩy ngành cơ khí 2 thành phố cùng phát triển. Thời gian tới, Sở Công nghiệp 2 thành phố sẽ đi sâu bàn chuyện hợp tác phát triển từng chuyên ngành, trước nhất là ngành công nghiệp nhựa”.
Thành công trong chặng đường hợp tác phát triển thời gian qua đã tạo động lực thúc đẩy nhiều liên doanh tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh. Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ và Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương xúc tiến đầu tư mở rộng Siêu thị Co.opMart Cần Thơ sang giai đoạn 2, đồng thời tiếp tục xây dựng các siêu thị vệ tinh ở Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Công ty Du lịch Cần Thơ và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn tiếp tục đầu tư mở rộng Khách sạn Sài Gòn-Cần Thơ. Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Cần Thơ tiếp tục đầu tư nâng công suất sản xuất. Theo ông Trần Thành An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, ngày càng có nhiều doanh nhân TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Đến nay, các cơ quan xúc tiến đầu tư đã thống nhất với 9 doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh về việc đăng ký đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng để thực hiện 10 dự án ở địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2006-2010. Trong đó, có nhiều Dự án với qui mô lớn như Công ty Du lịch Văn hóa Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng vào Khu du lịch Cồn Khương; Công ty Cổ phần đầu tư Viễn Đông sẽ thực hiện Dự án lọc dầu tại Cần Thơ với số vốn khoảng 3.200 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Nhà, Nhựa TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư hơn 600 tỉ đồng xây dựng khu tái định cư và nhà ở công nhân ở địa bàn quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Những công trình trọng điểm của quốc gia đặt tại địa bàn TP Cần Thơ- trung tâm vùng ĐBSCL như sân bay quốc tế, Cảng Cái Cui, cầu Cần Thơ, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, Quốc lộ 1A... đã và đang được đầu tư xây dựng; TP Cần Thơ đang dồn sức cho việc hoàn thiện hạ tầng kinh tế xã hội. Những công trình này đã và đang làm tăng sức thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ. Ngoài ra, nhu cầu hợp tác phát triển kinh tế -xã hội cũng đang được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ quan tâm. Những lợi thế trên là tiền đề thuận lợi thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với TP Cần Thơ ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.
bannhanong.vietnetnam.net (13/4/2006) (Nguồn:CTol)
|