Hướng mở cho sản xuất nông nghiệp bền vững:"1P5G".
Vụ lúa đông xuân 2005-2006, TP Cần Thơ thực hiện thí điểm những đồng ruộng áp dụng kỹ thuật canh tác theo Chương trình “1 phải, 5 giảm”. Bước đầu, chương trình này thu được hiệu quả khá cao, năng suất lúa bình quân tăng, chi phí sản xuất giảm... làm bà con nông dân càng quan tâm và tiếp tục ứng dụng cho những mùa vụ kế tiếp.
Nói về tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, khẳng định: Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ thì hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng lên, sản phẩm tạo ra đạt chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Trở lại các huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ trong những ngày kết thúc vụ đông xuân 2005-2006, không khí nhộn nhịp của những ngày thu hoạch lúa vẫn còn trên đồng ruộng. Trong nhà, bà con nông dân trữ lại lúa để chờ giá. Đó đây, ruộng lúa vụ xuân hè và hè thu sớm đã lên xanh. Nhiều người dân ở ấp Phụng Quới A, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, vui vẻ nói với tôi rằng vụ mùa đông xuân này tuy rầy nâu xuất hiện, phá hại lúa, nhưng ruộng lúa được cán bộ bảo vệ thực vật (BVTV), khuyến nông hướng dẫn áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất, nên hạn chế được rầy nâu phá hại, việc phòng trị có hiệu quả hơn, lúa không bị giảm năng suất. Có chương trình “1 phải, 5 giảm” nông dân càng an tâm sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm...
Theo kỹ sư Đặng Mạnh Khương, Chi cục BVTV TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2005-2006 các huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ đều được chọn và xây dựng ruộng lúa thí điểm áp dụng biện pháp “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất. Nông dân tham gia chương trình được tập huấn kỹ thuật canh tác, phương pháp ứng dụng “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất. Đó là, phải sử dụng giống xác nhận để gieo sạ, giảm phân, giống, thuốc bảo vệ thực vật và giảm chi phí bơm tát, hao hụt sau thu hoạch. Tóm lại, chương trình “1 phải, 5 giảm” nhằm giảm chi phí sản xuất, đảm bảo hiệu quả đầu tư... cho nông dân. Ngoài ra, các ruộng lúa được áp dụng thí điểm đều được cán bộ BVTV, khuyến nông kết hợp cùng nông dân (chủ ruộng) theo dõi chặt chẽ từng chi tiết, từ khâu xử lý giống, mật độ gieo sạ, bón phân sử dụng bảng so màu lá lúa, thời điểm phun xịt thuốc bảo vệ thực vật... Thực hiện biện pháp này, năng suất bình quân của các ruộng lúa thí điểm đạt khoảng 7 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm từ 1-1,2 triệu đồng/ha. Nhờ đó tăng thêm lợi nhuận cho người sản xuất.
Vĩnh Thạnh là một trong những huyện thực hiện có hiệu quả cao chương trình “1 phải, 5 giảm”. Vụ đông xuân vừa qua, huyện Vĩnh Thạnh mở 4 điểm tập huấn chương trình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất ở các xã Thạnh Thắng, Thạnh An, thị trấn Thạnh An... Mỗi điểm chọn 30 nông dân tham dự và xây dựng 2 ruộng lúa thí điểm để học viên thực tập, ứng dụng. Ông Đinh Viết Xanh ở ấp Phụng Quới A, thị trấn Thạnh An, là một nông dân được chọn thực hiện thí điểm ruộng lúa áp dụng “1 phải, 5 giảm”. Ông tỏ vẻ tâm đắc: “Phải tin tưởng vào các nhà khoa học, các kỹ sư nông nghiệp thì mới dám chuyển đổi phương pháp sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ. Bởi thay đổi tập quán sản xuất của nông dân là điều không dễ. Áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất lúa, tôi thấy có nhiều cái lợi. Thứ nhất, là giảm chi phí sản xuất khoảng 1,2 triệu đồng/ha, nhờ áp dụng sạ hàng, sạ thưa giảm được giống, giảm được phân bón và thuốc BVTV. Thứ hai, giảm sử dụng nước trên đồng ruộng, nghĩa là cung cấp nước theo từng thời điểm cây lúa cần, dẫn đến giảm chi phí bơm tát, lúa được cứng cây nên không đổ ngã khi thu hoạch, làm giảm được hao hụt sau thu hoạch. Thứ ba, sức khỏe của người canh tác được đảm bảo nhờ áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, bảo tồn thiên địch, không phải phun xịt thuốc BVTV nhiều lần, theo phương pháp canh tác thông thường...”. Vụ mùa đông xuân 2005-2006, ruộng lúa của ông Xanh canh tác giống lúa nguyên chủng OM 1490 và OM 2717, nhờ được chọn ruộng lúa thực hiện thí điểm chương trình “1 phải, 5 giảm” , nên năng suất thu hoạch tới 7 tấn/ha, cộng với chi phí sản xuất giảm đã cho lợi nhuận khá cao. Qua bước đầu thử nghiệm thành công, ông Xanh khẳng định những vụ mùa kế tiếp sẽ tiếp tục áp dụng và mở rộng diện tích canh tác theo chương trình “1 phải, 5 giảm”.
Cũng như ông Xanh, vụ đông xuân vừa qua, anh Châu Ngọc Còn, ngụ ấp Phụng Quới, thị trấn Thạnh An, được tham gia tập huấn chương trình “1 phải, 5 giảm”. Tuy ruộng lúa của anh không được chọn điểm xây dựng thí điểm áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, nhưng anh mạnh dạn áp dụng chương trình này vào sản xuất. Anh Còn nói: “Sau khi được tập huấn, tôi áp dụng ngay chương trình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất. Trước tiên, tôi chọn giống xác nhận không lẫn tạp chất của trạm khuyến nông huyện và gieo sạ lúa theo hình thức sạ hàng, giảm được khoảng 40-50% lượng giống. Sau khi gieo sạ áp dụng thuốc trừ cỏ vừa diệt được cỏ, lúa cỏ, vừa giúp lúa nảy mầm, sinh trưởng tốt. Kế tiếp tôi áp dụng tỉ mỉ từng khâu bón phân theo bảng so màu lá lúa, áp dụng tốt quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Đặc biệt, quản lý nước hợp lý, theo hướng dẫn của chương trình “1 phải, 5 giảm” để lúa đẻ nhánh tốt, cây cứng không bị đổ ngã và cho thu hoạch đúng lúc, tránh thất thoát nhờ áp dụng được máy gặt đập liên hợp...”. Nhờ áp dụng đúng chương trình “1 phải, 5 giảm”, ruộng lúa anh Còn cho thu hoạch cũng trên 7 tấn/ha, trong khi đó chi phí sản xuất lại giảm so với ruộng lúa bình thường. Nhận thấy được lợi ích của chương trình “1 phải, 5 giảm”, anh Còn quyết định áp dụng cho những vụ mùa kế tiếp. Đồng thời, với vai trò là cán bộ hội nông dân thị trấn Thạnh An, anh sẽ phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác của mình theo biện pháp “1 phải, 5 giảm” cho bà con nông dân trong địa phương.
Từ những hiệu quả thiết thực của chương trình “1 phải, 5 giảm” đem lại, đã được nông dân đồng tình đón nhận và tự nguyện làm theo. Đây là chương trình hết sức hữu ích và tin rằng ngày càng được nhân rộng hơn cả về lượng và chất, góp phần đem lại lợi nhuận cao cho nông dân, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng bền vững.
bannhanong.vietnetnam.net (10/4/2006)
(Nguồn:CTOl) |