Biến đồng bằng sông Hồng thành đầu tàu kinh tế.
Ngày (3/4), Chính phủ và lãnh đạo của 12 tỉnh đồng bằng sông Hồng đã thảo luận chương trình hành động của Chính phủ, về triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng. Hội nghị do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng chủ trì.
Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị được ban hành cách đây 6 tháng, nhằm định hướng cho việc hình thành một cơ chế chính sách đồng bộ để huy động mọi nguồn lực giúp cho 12 tỉnh đồng bằng Sông hồng có thể phát triển tương xứng với vai trò và tiềm năng của mình.
Là một khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhưng nếu so với vùng Đông Nam Bộ thì các tỉnh đồng bằng sông Hồng có tỷ trọng đóng góp vào GDP, và xuất khẩu của cả nước thấp hơn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và thu hút được ít các nguồn vốn đầu tư hơn.
Nguyên nhân chính của tình hình này là do cả khu vực còn thiếu cơ chế chính sách đồng bộ, chưa hình thành được thị trường bất động sản, thị trường vốn cũng như chưa có một quy hoạch tổng thể để phát huy lợi thế so sánh của cả vùng. Theo yêu cầu của Bộ Chính trị thì sau 5 năm nữa, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, cảng biển và vùng nông nghiệp lớn sẽ phải giữ được tốc độ tăng trưởng liên tục trên 10% và đóng góp khoảng 24% cho GDP của cả nước so với 20% như hiện nay, và đến trước năm 2020 tỷ lệ này sẽ phải là 27%.
Để thực hiện Nghị quyết này của Bộ Chính trị, dự kiến sau khi tập hợp ý kiến của các bộ, ngành và địa phương tại Hội nghị lần này. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động này nhằm sớm đưa các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, nơi đang có khoảng 20 triệu người đang sinh sống sẽ trở thành một đầu tầu về kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Và ngay trong năm nay, công tác quy hoạch và xúc tiến đầu tư cho cả vùng sẽ được khởi động.
bannhanong.vietnetnam.net (04/04/2006) (Nguồn: VTV)
|