25 năm gắn đời với con..cá.
"Từ ngày khởi nghiệp đến giờ đã 25 năm, đời tôi gắn bó với con cá ba sa, cá tra", ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), tâm sự.
"Chỉ còn nhớt cá là chưa bán được" .
Ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị), Phó bí thư Tỉnh ủy An Giang, khái quát về thị trường cá ba sa, cá tra của Agifish như vậy. Ông Bảy Nhị còn nói, chuyện đó, trước vụ Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá da trơn hồi năm 2002, chưa ai làm.
Giám đốc Ngô Phước Hậu đồng tình, rồi chứng minh, chưa tính hàng giá trị gia tăng (hàng tinh chế bán vào các siêu thị), công nhân Agifish đang chế biến "sạch trơn" con cá tra, cá ba sa để bán đi khắp nơi.
Thịt phi-lê bán sang châu Âu là chính, mỗi tháng xuất khoảng 2.000 tấn, giá 3 USD Mỹ/kg. Mỡ cá xuất sang Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia, khoảng 500 tấn mỗi tháng, giá 6.500 đồng/kg (họ dùng mỡ cá thay dầu cọ của Malaysia, giúp thức ăn gia súc thơm hơn, ngon hơn).
Da cá thì châu Âu, Hồng Kông mua mỗi tháng 10 container, giá 50 cent/kg (Hồng Kông làm thực phẩm chiên giòn, châu Âu làm nguyên liệu cho mỹ phẩm, dược phẩm).
Thịt vụn, mỗi tháng xuất vài container sang Nga để làm chả cá. Riêng xương, đồ lòng thì xay nghiền, trích ly mỡ, chế biến thành bột cá bán cho các nhà máy thức ăn gia súc trong nước.
Đặc biệt, bao tử và bong bóng cá tra, cá ba sa đang là đặc sản đối với thị trường Trung Quốc, và theo lời ông Hậu: "Có bao nhiêu bán cũng hết, loại tươi thì 6.000 đồng, sấy khô thì 10.000 đồng/kg".
Ông Hậu nhớ lại: "Hồi trước, không biết chế biến phụ phẩm, thậm chí chưa biết thắng mỡ cá, có khi bán không hết, phải chở phụ phẩm đi chôn!". Bây giờ, cứ bán được một ký phi-lê là coi như tiêu thụ luôn được hai ký phụ phẩm. Ngoài 50 tấn phi-lê và 100 tấn phụ phẩm do nguồn cá của Câu lạc bộ Agifish nuôi, mỗi ngày công ty mua thêm 100 tấn phụ phẩm của các nhà máy bạn để chế biến xuất khẩu.
"Vậy là đa dạng hóa được sản phẩm, giá mua nguyên liệu tăng, có lợi cho người nuôi và cho cả công ty", ông Hậu nói tiếp: "Để giải được bài toán này, chúng tôi đã dự nhiều hội chợ trong và ngoài nước, bắt được cái "gu" của khách hàng, rồi tự nghiên cứu, chế tạo ra các thiết bị chế biến phụ phẩm".
Từ một sản phẩm "vô danh tiểu tốt" của ĐBSCL, thậm chí tới vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ năm 2002, dân miền Bắc, miền Trung còn hỏi cá ba sa, cá tra là loại cá gì, đến nay đã có hơn 50 nước ăn con cá này.
Từ Ba sa Mêkông đến Pangasius.
Ông Hậu nhớ về tuổi thơ, thường theo cha ra những cánh đồng ở quanh Châu Đốc đặt lợp bắt cá. Nhớ hồi năm 1979, rời Đại học Tổng hợp Tp.HCM về Công ty Thủy sản An Giang làm cán bộ cung tiêu, đóng được 20 bè cá ba sa đầu tiên cho công ty, nhưng cá không bán được vì không có thị trường, phải đi lùng sục heo, bò, gà, vịt… để xuất qua Nga thông qua Công ty Vissan để có tiền trả lương công nhân.
Nhưng chẳng lẽ lại bỏ mất cái nghề truyền thống của dân An Giang chỉ vì chưa tìm ra thị trường xuất khẩu? Mãi tới năm 1988, một bạn hàng Úc phát hiện thịt cá ba sa quá ngon, đã dạy ông cách làm cá phi-lê, và họ mua hết lô hàng đầu tiên.
Đến năm 1990, một công ty Hồng Kông bắt đầu mua cá ba sa phi-lê của công ty để xuất qua Mỹ, tất nhiên là với thương hiệu của họ, nhưng đã bắt đầu mở ra một tương lai mới cho ngư dân miền Tây: nuôi cá ba sa, cá tra xuất khẩu.
Tháng 3/1999, dự Hội chợ Thủy sản quốc tế Boston ở Mỹ, ông đã nhờ người bạn Việt kiều thuê đầu bếp Mỹ chế biến các sản phẩm ăn liền từ nguồn cá tra và cá ba sa của công ty đem qua để bán ngay tại gian hàng N&H của bạn. Đơn đặt hàng bắt đầu đến và từ đó, cá ba sa, cá tra ĐBSCL ra thế giới.
Rồi tới vụ kiện của những người nuôi cá da trơn (catfish) của Mỹ… Lúc này, tiếng tăm của con cá "Ba sa Mêkông" đã nổi tiếng khắp thế giới. Nhờ đã tiên liệu thị trường trước khi Mỹ tuyên bố kết thúc vụ kiện vào tháng 6/2003 nên Agifish đã mở hệ thống phân phối nội địa vào cuối năm 2002 và mở thị trường châu Âu vào đầu năm 2003. Đến cuối năm 2003, công ty đã khôi phục sản lượng xuất khẩu lớn hơn trước vụ kiện.
Bây giờ thì hàng phi-lê, hàng giá trị gia tăng, hàng phụ phẩm từ cá tra, cá ba sa của Agifish đang bán khắp nơi. Thị trường châu Âu chiếm 45%, Mỹ 25%, còn lại là châu Á và Úc. Ông Hậu tính, năm 2004 Agifish đạt kim ngạch xuất khẩu 48 triệu USD, trong đó 30% từ hàng giá trị gia tăng. Agifish đang làm hơn 100 mặt hàng tinh chế có mã số; nhiều bà nội trợ trong nước đi siêu thị đã quen xài các món hàng này.
Nhắc lại thành công của Việt Nam và riêng Agifish, tại một hội nghị bàn về xây dựng thương hiệu cá ba sa, cá tra Việt Nam ở An Giang hôm 14/12, ông Herby Neubacher, nhà tiếp thị hai sản phẩm này sang châu Âu, nói: "Người tiêu dùng châu Âu đã ưa chuộng thịt trắng, thơm ngon của sản phẩm này với cái tên quen thuộc là Pangasius".
Ông hào hứng đề nghị: "Nên quên cái tên Basa Mêkông đi, và chỉ nên xây dựng thương hiệu cá tra, cá ba sa với cái tên Pangasius".
bannhanong.vietnetnam.net (4/4/2006) (Nguồn:TBKTSG) |