Tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Mặc dù tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng là toàn diện, nhanh và đáng kể, tuy nhiên so với cả nước thì vùng miền núi và trung du phía Bắc, nhất là vùng Tây Bắc (gồm các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An) còn nghèo so với cả nước .
Ngày 30-3, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc với sự chủ trì của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, trong 5 năm qua, với sự tập trung đầu tư của Chính phủ, cơ sở hạ tầng của kinh tế – xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc đã được cải thiện đáng kể, nhất là về hệ thống giao thông đường bộ, thủy lợi và bưu chính – viễn thông…
Mặc dù tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng là toàn diện, nhanh và đáng kể, tuy nhiên so với cả nước thì vùng miền núi và trung du phía Bắc, nhất là vùng Tây Bắc (gồm các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An) còn nghèo so với cả nước.
Vì vậy, mục tiêu phát triển của toàn vùng từ nay đến năm 2010 là GDP phải tăng 2,5 lần so với năm 2000 và tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm phải cao hơn các vùng khác; tập trung cho việc chuyển dịch kinh tế sang hướng nâng cao tỷ lệ giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ; chú trọng đến việc khai thác những thế mạnh của toàn vùng như: tài nguyên thủy điện, khoáng sản đất đai, du lịch và kinh tế cửa khẩu…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng: trên cơ sở những thành tựu đạt được trong thời gian qua, để vùng trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục phát triển, đạt được những mục tiêu đã đề ra, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong vùng, cần phải tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung vào việc phát triển sản xuất hàng hóa và khai thác dịch vụ.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp phải chú trọng việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời chăm lo, phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, như: y tế, giáo dục, giao thông… cho toàn vùng.
bannhanong.vietnetnam.net (1/4/ 2006) (Nguồn:Sggp )
|