Vĩnh Phúc: Bắc Bình đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi .
Nhờ đi đầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi xã Bắc Bình thuộc huyện miền núi Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những thay đổi vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp: sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân hàng năm là 165 tấn, đưa bình quân lương thực đạt 400kg/người/năm, nâng tổng thu nhập trên đầu người lên 4,2 triệu đồng/năm.
Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, trong tổng diện tích gieo trồng của xã có đến 40% diện tích phụ thuộc vào nước trời. Những năm về trước bị hạn hán, bà con trồng lúa xong sau khi trừ chi phí thì không có lãi. Khắc phục những khó khăn đó, Đảng bộ xã đã phải chỉ đạo cho 2 hợp tác xã đầu tư xây 3.500 m2 mương cứng, làm một trạm bơm chuyển nước đến các chân ruộng. Riêng công trình đưa nước vào Đồng Dộc ở Hữu Bình đang xây dựng trị giá 2,1 tỷ đồng.
Các cán bộ khuyến nông phối hợp với các ban ngành, đoàn thể hướng dẫn bà con chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại cây như: cây dâu, cỏ, đỗ, lạc, thanh hao hoa vàng cho hiệu quả kinh tế lại cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Hai hợp tác xã đã làm tốt khâu dịch vụ các cây giống có năng suất cao cho nhân dân. Năm 2006, xã sẽ thực hiện cấy trên 1.000 mẫu, tập trung giống lúa lai có năng suất cao đưa vào đồng ruộng như: hai dòng, Khang dân 18, bình quân năng suất đạt 180 kg/sào; cây ngô 350 mẫu năng suất bình quân đạt 150 kg/sào và các loại cây nông sản gồm đỗ các loại 50 mẫu, rau màu 10 mẫu; cây dâu 100 mẫu. Hiện cây dâu đang phát triển mạnh do giá kén tăng cao, bình quân từ 35.000 đồng đến 37.000 đồng/1kg nên nhiều hộ có thu nhập cao từ 10 đến 12 triệu đồng/năm. Giá trị thu nhập từ cây dâu của xã mỗi năm đạt trên 3 tỷ đồng.
Đối với vùng đất đồi, xã đã chỉ đạo bà con trồng cây ăn quả tập trung vào 3 loại cây chính như: vải thiều, xoài, nhãn đạt 145 ha.Trên địa bàn xã đã hình thành 13 trang trại lớn nhỏ. Điển hình như trang trại của ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Bình Long đạt 13 ha chuyên trồng các cây ăn quả mỗi năm trừ chi phí thu lãi từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Người dân còn trồng mới 5 vạn cây bạch đàn phân tán và gần 1.000 gốc tre măng Bát độ, trồng mới được 140 ha rừng theo Chương trình 327 và 661. Tuy hai năm nay, giá sữa không tăng mà giá thức ăn cao, nhà máy thanh toán tiền cho dân chậm nên tỷ lệ bò của xã giảm từ 50 con xuống còn 10 con. Trước thực trang đó, sau khi tìm hiểu thị trường lãnh đạo xã đã tạo điều kiện cho bà con đã chuyển sang đầu tư nuôi bò thịt: hơn 30 hộ trong xã có từ 3 đến 5 con bò thịt, nâng tổng số đàn, trâu, bò của xã lên 2.000 con. Riêng đàn bò có trên 1.500 con. Còn đàn lợn tập trung giống hướng nạc, toàn xã có trên 5.000 con, trong đó có 450 con lợn nái, 10 con lợn đực giống hướng nạc. Bình quân mỗi năm bà con trong xã xuất khoảng 150 tấn lợn thịt và 40 tấn gia cầm.
bannhanong.vietnetnam.net (29/03/2006)
(Nguồn: TTXVN) |