Đến năm 2010,nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề hàng năm ở ĐBSCL lên 25-30%.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, các tỉnh ĐBSCL phấn đấu từ nay đến năm 2010, mỗi năm tạo việc làm và chuyển từ 250.000 - 350.000 lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp- xây dựng, thương mại - dịch vụ. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề từ 25 -30%/năm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển mạnh các loại hình dạy nghề. Năm 2000, ĐBSCL đã dạy nghề cho 610.000 người, chiếm 14,5% tổng số lao động trong vùng và năm 2005 dạy nghề cho 1.000.000 người, chiếm 21,2% trong tổng số lao động bao gồm các nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, chế biến lương thực, thực phẩm, điện nông thôn, cơ khí nông nghiệp, xây dựng, giao thông... Đây là những nghề gắn với chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, mở mang các ngành nghề tiểu- thủ công nghiệp.
Các tỉnh trong khu vực đã dành tỷ lệ ngân sách thích đáng cho công tác dạy nghề. Đáng chú ý là các tỉnh, thành khu vực liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều viện, trường đại học trong ngoài khu vực mời cán bộ, giảng viên giỏi về địa phương giảng dạy. Hiện nay, ĐBSCL có 14 trường dạy nghề do Trung ương quản lý, thấp hơn vùng Đông Bắc, miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng từ 2 - 3,7 lần. Riêng thành phố Cần Thơ có 13 trường; nhưng 80% thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành trong các trường dạy nghề ở thành phố lạc hậu và gần 40% phòng học, xưởng thực hành là nhà tạm, nhà cấp bốn. Thành phố còn thiếu giáo viên các nhóm nghề mới. Công tác đào tạo cũng chưa gắn với giải quyết việc làm, chưa bảo đảm liên thông trong đào tạo kỹ nghệ thực hành, chưa thích ứng với thị trường lao động. Vì vậy, khá nhiều sinh viên, học sinh sau khi học nghề không tìm được việc làm.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, các tỉnh ĐBSCL phấn đấu từ nay đến năm 2010, mỗi năm tạo việc làm và chuyển từ 250.000 - 350.000 lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp- xây dựng, thương mại - dịch vụ. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề từ 25 -30%/năm. Tổng cục dạy nghề đã đầu tư 11 tỉ đồng xây dựng mới và đưa vào sử dụng Trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật tại tỉnh Vĩnh Long. Đây là trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật duy nhất vùng ĐBSCL có khả năng thu nhận 2.000 sinh viên/năm, tăng 800 người so với trước đây, chuyên đào tạo các ngành tin học, cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện công nghiệp và hai ngành mới là cơ điện tử, điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp giáo viên dạy nghề cho vùng ĐBSCL.
bannhanong.vietnetnam.net (29/3/2006)
(Nguồn:TTXVN/CTol ) |