Vì sao rau an toàn chết yểu?
Rau chất lượng cao, hoàn toàn sạch bệnh cộng với hệ thống bảo quản, phân phối công phu, thế nhưng những người kinh doanh rau an toàn vẫn chưa thể tìm được lợi nhuận và liên tiếp phải chịu lỗ…
3 năm lỗ gần 4 tỉ đồng!
Đó là trường hợp của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS). Cuối năm 2002, công ty bắt đầu thành lập Trung tâm Sao Việt, xây dựng hệ thống quản lý đồng bộ trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo quy trình hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau an toàn cho người dân trên địa bàn TP.HCM. Từ năm 2003, AGPPS bắt đầu triển khai vùng rau sạch tại xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh (TP.HCM); hợp đồng chặt chẽ với nông dân, hướng dẫn họ kỹ thuật đồng thời cử các nhà chuyên môn giám sát quá trình sản xuất. Song song đó, công ty còn áp dụng hệ thống mã vạch để nhận dạng từng sản phẩm riêng biệt, cho phép truy xuất sản phẩm của nông dân nào, ngày sơ chế và tổ sơ chế, ngày bán hàng, cửa hàng phân phối và cả tên khách hàng khi có sự cố không an toàn xảy ra. Hệ thống phân phối tiện ích của Trung tâm Sao Việt còn phục vụ khách hàng đến "tận răng" với nhân viên giao hàng tận nhà miễn phí. Công phu như vậy nhưng hiện tại, nhà kinh doanh rau an toàn này lại đang lâm nguy. Sau 3 năm, thị phần của Trung tâm Sao Việt vẫn còn rất nhỏ bé. Kết quả là... lỗ. Năm 2003 AGPPS lỗ 1,4 tỉ đồng, năm 2004 lỗ 1,8 tỉ đồng, năm 2005 vừa qua lỗ 770 triệu đồng. Tổng cộng trong 3 năm AGPPS Ông Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM: "Nhà nước cần có sự hỗ trợ để các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn, nếu cứ để chịu lỗ như thế mãi thì mục tiêu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng đang được xã hội ủng hộ sẽ không thực hiện được".
Lỗ gần 4 tỉ đồng. Những con số không phải nhỏ...
Vì sao?
Với AGPPS, giá thành cao chính là nguyên nhân khiến khả năng tiêu thụ sản phẩm của công ty bị hạn chế. Ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng giám đốc AGPPS cho biết: "Không kể các chi phí đầu tư hệ thống mã vạch, bao tiêu giá ổn định, tỷ lệ hao hụt..., chỉ riêng tiền thuê mặt bằng để phân phối đã ngốn khá nhiều tiền. Đơn cử cửa hàng tại chợ Bến Thành một ngày bán được 1 triệu đồng, thế nhưng tiền thuê mỗi tháng đã chiếm mất 6,6 triệu. Hiện nay Trung tâm Sao Việt có 39 địa điểm phân phối, chi phí để phục vụ cho người tiêu dùng vì thế rất lớn". Ông Hồ Xuân Hưng - cán bộ phụ trách kinh doanh của Trung tâm Sao Việt kể: "Chúng tôi nhận giao hàng tận nơi cho người tiêu dùng, nhưng lại có những trường hợp như có hộ ở tầng cao khu nhà chung cư, mua bó rau có khi chỉ 5.000 đồng, nhân viên gửi xe lên giao hàng là mất đứt 2.000 đồng".
Năm 2005, số lượng nông dân tham gia vào dự án đã giảm, một số nhận thấy trồng rau không lời nhiều nên rút lui, một số lại không đáp ứng được yêu cầu của hợp đồng đã ký kết.
Ông Thòn tâm sự: "Chúng tôi đã từng bước mở rộng thị phần và giảm được mức bù lỗ, thế nhưng lỗ hoài như thế thì không doanh nghiệp nào chịu đựng mãi được, chúng tôi cần được giúp đỡ".
Nguồn:TNol-bannhanong.vietnetnam.net (27/03/2006) |