Điệp khúc giá cây trồng: Cao - trồng, thấp - chặt!
Niên vụ mía đường 2005-2006, giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL cao ngất ngưởng (710.000 đồng/tấn, loại 12 chữ đường), cuộc chiến tranh mua mía diễn ra khắp các vùng trồng mía. Nông dân đổ xô trồng mía, vườn nhãn đang cho trái bị đốn bỏ, hom mía cũng "sốt" giá...
Trong cái vòng luẩn quẩn nhiều năm "giá cao - trồng, giá sụt - chặt bỏ", cây mía ĐBSCL đang vươn lên tầm "vương quốc" hay sẽ lại rơi vào vòng xoáy khủng hoảng?
Bức tranh... nhốn nháo.
Vùng mía nguyên liệu tại Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre... đều đã diễn ra tình trạng thương lái đổ về tranh mua cung ứng cho các nhà máy đường. mía nguyên liệu hiện không còn bao nhiêu, vùng trồng mía huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) với ưu thế giống mía cao sản đang là điểm nóng: Ghe mua mía biển số nhiều tỉnh dồn về vét những cây mía cuối cùng (niên vụ mía đường 2005 - 2006 sẽ kết thúc vào tháng 4, sớm hơn một tháng). Nhiều nhà máy đường chi hoa hồng trên dưới 100.000 đồng/ghe cho thương lái để giành mía nguyên liệu.
Một nhà nông ở xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung) năm nay trúng đậm. Chỉ với 7.000m2, xuống giống sớm, ruộng mía của chủ nhà này ước đạt trên 80 tấn, đã có nhiều mối tới đặt mua. Chưa... gật đầu với mối nào vì theo ông, "cái mòi này giá còn lên nữa". Vụ mía năm nay, dù có ký hợp đồng với nhà máy đường hay không - hầu hết người trồng mía vụ này đều chọn cách bán thẳng cho thương lái. Đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân trên 2.000ha mía, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh giá, Cty mía đường Sóc Trăng chỉ mua được xấp xỉ 50% mía nguyên liệu theo hợp đồng!
nhà máy đường nào cũng "đói" mía nguyên liệu. Đã có nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo các nhà máy đường ngay từ đầu vụ, nhưng ngay sau đó tình trạng tranh mua mía nguyên liệu vẫn tái diễn; thậm chí càng gay gắt hơn. Nguyên nhân thì ai cũng thấy (chưa nhà máy đường nào xây dựng vùng nguyên liệu thật sự căn cơ), nhưng lại không thấy "tiếng nói chung" trong việc tìm giải pháp tháo gỡ!
Lại ồ ạt trồng mía!
Năm nay, nông dân trồng mía ở ĐBSCL đang "sướng", khi một hécta mía lời 40 - 50 triệu đồng trong tầm tay. Vậy là ở Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang... bà con đang đua nhau trồng mía. Tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), không ít nhà vườn đốn hàng chục gốc nhãn đang cho trái lấy đất trồng mía.
Ông Tư Thông ở huyện Cù Lao Dung, từng... chia tay với cây mía để lấy mấy công đất trồng nhãn, trước cơn sốt giá mía tăng cao kỷ lục, năm nay ông lại quyết định đốn nhãn quay lại trồng mía! Rồi vùng trồng màu ở huyện này cũng hối hả làm đất ngay sau khi thu hoạch khoai lang, khoai mì để "rước" cây mía về.
Sau một vòng khảo sát, Cty cổ phần mía đường Cần Thơ (Hậu Giang) cũng xác nhận nông dân đang mở rộng diện tích trồng mía. Tại huyện Thới Bình (Cà Mau) vào thời kỳ "sung" nhất trước đây, diện tích trồng mía lên đến 6.000ha, năm 2005 chỉ còn trên 3.000ha và năm nay ước diện tích sẽ thêm 500ha so với năm 2005!
Có thể nói điệp khúc "Giá cao - trồng, giá sụt - chặt bỏ" lại tái diễn. Còn nhớ vào đầu năm 2003 - thời điểm thu hoạch rộ - nông dân trồng mía ở Long An, Bến Tre, Sóc Trăng... từng khốn khổ khi mía nguyên liệu chỉ bán được 120.000 đồng/tấn, giảm 100.000 đồng so với cùng kỳ năm 2002. Tình trạng giá mía và diện tích tăng giảm liên tục diễn ra suốt từ đó cho tới niên vụ 2005-2006 này.
Từng nhà máy đường không tự mình hoặc liên kết xây dựng được vùng nguyên liệu, mà cứ lao vào tranh mua mía nguyên liệu theo kiểu "ăn xổi" thì không thể nói tới yếu tố bền vững. Hoặc trở thành "vương quốc mía", hoặc tiếp tục rơi vào khủng hoảng từ cuộc chiến cát cứ của các "tiểu vương", điều này tuỳ thuộc vào các giải pháp mang yếu tố phát triển đồng bộ trên phạm vi toàn vùng.
Nguồn:VNeconomy/LĐol-bannhanong.vietnetnam.net (24/03/2006)
|