Mía đường đã có đất lành?
Trong khi nhiều nhà máy đường ở miền Bắc, miền Trung lâm vào cảnh lao đao vì thiếu nguyên liệu thì tại một số khu vực miền Nam, nhất là tại ĐBSCL cả mía lẫn đường đều "thắng lớn". Cây mía phải chăng đã tìm ra đúng đất lành? Nhưng sự "huy hoàng" này liệu có thể kéo dài?
Niên vụ sản xuất mía đường 2005-2006 sắp vào kỳ kết thúc, nông dân và các nhà máy đều tiếc hùi hụi vì giá mía, giá đường đều tăng nhưng không có để bán. Hậu quả xuống giá của những năm trước khiến diện tích mía cả nước giảm thêm 15.000 ha, còn 265.000 ha, năng suất bình quân giảm thêm 4,6 tấn, còn 47,2 tấn dẫn đến giảm 2 triệu tấn nguyên liệu.
Cây mía cần nước tưới.
Như các vùng khác trong cả nước, 2 năm 2004-2005 các tỉnh miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL cũng gặp tình trạng khí hậu khắc nghiệt làm thiệt hại cây mía. Mùa mưa năm 2004 kết thúc khá sớm, hệ thống tưới tiêu lại không có nên cây mía vụ đông - xuân 2004-2005 toàn miền Đông từ Bình Thuận đến Đồng Nai, Tây Ninh có tỷ lệ nẩy mầm đạt rất thấp, có nơi bị cháy khô, diện tích mía cũ tái sinh kém, làm thiệt hại 2025 ha, 89.000 tấn nguyên liệu.
Ở Đồng Nai, gần 700 ha mía đã phải chuyển đổi cây trồng, nhà máy đường Trị An lâm vào cảnh phá sản. Niên vụ 2005-2006 diện tích mía ở tỉnh Bình Dương giảm thêm 2.235 ha (giảm thêm 64%), Bình Thuận giảm 2.700 ha (53%). Các tỉnh còn lại cũng giảm diện tích nên cả vùng chỉ còn 48.511 ha, giảm 6.666 ha. Giá đường bắt đầu tăng từ giữa quý III khiến mọi người lo bón phân chăm sóc cho số diện tích còn lại nhưng đến nay năng suất cũng chỉ tăng nhẹ từ 54,4 tấn lên 55,2 tấn/ha.
Tuy được phân thành 2 vùng nhưng các nhà máy chế biến đường ở miền Đông Nam Bộ thời gian qua đều "nhờ cậy" vào lượng mía khá dồi dào của ĐBSCL để có lượng đường thô, mật rỉ mua về chế biến. Rất đáng mừng là niên vụ 2005 - 2006 ĐBSCL chỉ giảm 108 ha (0,17%). Các tỉnh giảm là Bến Tre 891 ha (8,92%), Kiên Giang 216 (5,81 %), Long An 162 ha (1,09 %) thì Hậu Giang tăng 427 ha (3%), Trà Vinh tăng 494 ha (7%), Sóc Trăng tăng 166 ha (1,6 %).
Toàn vùng đạt 64.964 ha mía. Nhưng bất ngờ nhất là năng suất mía toàn vùng đã tăng vọt, từ 69,4 tấn lên 81,1 tấn/ha. Vùng mía Hậu Giang năng suất mía bình quân đạt tới 105 tấn/ha, Sóc Trăng 100 tấn/ha. Năm 2000, lúc ĐBSCL có diện tích mía cao nhất 86.9000 ha sản lượng cũng chỉ đạt 5.171.000 tấn thì năm qua, mặc dù giảm 22.000 ha nhưng các nhà máy vẫn có 5.267.867 tấn.Tại ĐBSCL, các tỉnh có sản lượng tăng lớn nhất là Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An...
Nguồn nước các tỉnh vùng hạ lưu mặc dù có phần nhiễm phèn, đôi khi bị cả mặn xâm nhập nhưng độ ẩm vẫn dồi dào quanh năm. Nhìn qua miền Đông Nam Bộ, có thể thấy ra một quy luật tương tự.
Tỉnh Tây Ninh có 3 loại cây trồng phù hợp đang tranh chấp quyết liệt qũy đất là cao su, mía và mì (sắn). Công ty mía đường Bourbon (100% vốn của Pháp) chọn sách lược đưa cây mía xuống vùng thấp, có tưới. Nhờ vậy niên vụ qua Tây Ninh vẫn tăng thêm được 1619 ha (5,41%).
Giá mía theo giá đường?
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục trồng trọt ở phía Nam nhận định: "Công tác tuyển chọn và phát triển giống mía mới những năm qua mang tính quyết định trong việc tăng năng suất và chất lượng mía. ĐBSCL có diện tích trồng giống mía mới đã đạt 70% diện tích. Công lao này phải nhìn nhận trước tiên nhờ vào nỗ lực của các ban giám đốc các nhà máy đường kết hợp với sự hỗ trợ của các địa phương.
Các nhà máy đường kết hợp với các tỉnh nên tiếp tục quy hoạch vùng nguyên liệu với cơ cấu giống rải vụ hợp lý để các nhà máy bảo đảm hoạt động ít nhất 6 tháng trở lên trong năm".
Vùng Đông Nam Bộ nên chú trọng vùng nguyên liệu Đồng Nai cho Nhà máy đường La Ngà, vùng Tây Ninh cho Nhà máy đường Bourbon và Tây Ninh (thuộc Công ty CP đường Biên Hòa). Vùng ĐBSCL nên chú trọng vùng giáp ranh Đồng Tháp Mười phục vụ cho nhà máy đường Hiệp Hòa (thuộc TCT mía đường 2) và nhà máy NagarJuna (ấn độ), vùng Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng cho các nhà máy đường Cần Thơ, Phụng Hiệp, Sóc Trăng, Trà Vinh.
Những vùng trồng mía hiện nay không có nhà máy đường hoặc đường vận chuyển khó khăn nên chuyển qua các cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị về phát triển sản xuất ngành sản xuất mía đường tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 3-2006, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng ngành mía đường nên nắm lấy thời cơ hiện nay. Cả nước muốn có đủ 1,4 triệu tấn đường thì phải có khoảng 15 triệu tấn mía, tức tăng thêm 20% nguyên liệu (3 triệu tấn mía) so với hiện nay. Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhà máy muốn phát triển thì nông dân phải cùng có lãi.
Trước đây cả nước vẫn cân đối 2 mía = 1 đường. Giờ đây, các nhà máy nên cam kết bảo đảm giá mua 1 tấn mía có chữ đường 10 CCS tại ruộng bằng 60% giá đường bán buôn (chưa có VAT). Nhưng để phòng khi giá đường thế giới giảm, các vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy lại cần được bảo hiểm ở giá tối thiểu để người nông dân khỏi phải "chuyển đổi cây trồng".
Bằng nỗ lực xây dựng các vùng chuyên canh, thay đổi giống, chính sách bảo hiểm giá mía chính là yếu tố quyết định để sản xuất mía đường ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và chế biến trong nước như mục tiêu mà chương trình mía đường đã đề ra khi khởi động cách đây 12 năm (1994)...
Nguồn:VNECONOMY-bannhanong.vietnetnam.net (24/03/2006)
|