Để công nghiệp chế biến thủy sản An Giang phát triển bền vững.
Ngành công nghiệp chế biến thủy sản đang dần khẳng định là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh An Giang. Tuy nhiên, trước áp lực của xu thế hội nhập quốc tế, ngành công nghiệp được xem là đem lại nhiều ngoại tệ này đã gặp không ít khó khăn và đang tìm giải pháp để phát triển bền vững…
Với những tín hiệu vui về tốc độ tăng trưởng không ngừng ở lĩnh vực thủy sản trong những năm qua, đặc biệt là con cá tra, ba sa, khiến các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh không phải bận tâm chuyện thiếu hụt nguồn nguyên liệu để sản xuất. Nếu như năm 2000, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh chỉ khoảng 1.253 ha thì đến nay con số đã tăng lên gấp nhiều lần. Theo đó đã kéo theo tỷ trọng sản lượng từ 171.424 tấn (năm 2000) tăng lên 231.000 tấn (trong năm 2005), trong đó sản lượng nuôi chiếm gần 74%.
Chính việc phát triển ồ ạt của nghề nuôi cá đã tạo ra một luồng gió mới trong việc đầu tư phát triển công nghiệp chế biến. Từ việc “nhỏ giọt” trong đầu tư ban đầu, để đứng vững trên thương trường, cũng như có đủ khả năng xâm nhập các thị trường được xem là khó tính như EU, Mỹ…, các doanh nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản ở An Giang đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại, lắp đặt đồng bộ các dây chuyền sản xuất chuyên ngành nổi tiếng như Mycom, Nissin (Nhật Bản), Bizzier (Đức), Trane (Mỹ), Gram (Đan Mạch), với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, nhằm mục đích đa dạng hóa mặt hàng để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Đến nay, 12 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm từ con cá tra, ba sa, với công suất thành phẩm trung bình mỗi năm khoảng 70 ngàn tấn. Thành công này, chẳng những mang đến cho người dân trong nước sự chuyển biến về biên độ thưởng thức, mà còn mở đường cho loài cá độc nhất vô nhị của tiểu vùng sông Mekong vượt qua những rào cản kỹ thuật, có mặt khắp nơi trên thế giới với tư thế tự hào: Hợp thời, đa dạng, lấp lánh nét đẹp truyền thống của dân tộc…
Có thể khẳng định rằng, công nghiệp chế biến chính là một đòn bẩy để ngành công nghiệp thủy sản An Giang phát triển, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm và luôn chiếm gần 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho biết: “Trong những năm qua, riêng các thành phần kinh tế tư nhân đã đầu tư hơn 30 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến. Nhiều nhà máy đông lạnh được trang bị hiện đại ra đời góp phần nâng năng lực chế biến cá của tỉnh từ 100- 120 tấn nguyên liệu mỗi ngày lên 500- 600 tấn/ngày. Điều này đã góp phần đưa An Giang trở thành “vương quốc” về chế biến và xuất khẩu cá tra, ba sa” ở Việt Nam.
Song, cũng phải nhìn nhận rằng, việc phát triển ồ ạt vùng nguyên liệu cũng đang đặt ngành Công nghiệp chế biến thủy sản An Giang trước một vấn đề lớn: Thừa nguyên liệu, nguyên liệu nhiễm kháng sinh… Từ thực tế thị trường quốc tế trong những năm qua, trên lộ trình phát triển của mình, ngành Công nghiệp chế biến thủy sản An Giang không chỉ chứng minh giá trị mà còn phải khẳng định một thế đứng vững chắc với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế. Để đạt được điều đó, hơn hết là phải xây dựng một nền công nghiệp sản xuất sạch, những sản phẩm chế biến đảm bảo chất lượng từ con giống đến bàn ăn. Ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang khẳng định: “Đã đến lúc mình bán những gì thị trường cần. Phải áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế để định hướng phát triển công nghiệp chế biến, có như thế sẽ giúp chúng ta hội nhập nhanh hơn”.
Nhận thấy rõ tầm quan trọng này, trong những năm gần đây, An Giang đã có những động thái tích cực đẩy mạnh việc hình thành một vùng nguyên liệu sạch, an toàn, đồng thời kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm từ cá tra, ba sa từ lúc nuôi cho đến chế biến thành phẩm. Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết: “Ngoài 5 dự án phục vụ cho vùng nuôi cá tra, ba sa ĐBSCL như: Chất lượng- thương hiệu; thống kê- thông tin thủy sản; nghiên cứu, khai thác tổng hợp 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, Trung tâm Kiểm nghiệm ĐBSCL nâng cấp hoạt động các hiệp hội nghề cá ĐBSCL, ngành Nông nghiệp An Giang đang tích cực phát động phong trào sản xuất cá sạch phục vụ xuất khẩu, được dựa trên nền tảng tiêu chuẩn quốc tế SQF 1000 cho vùng nuôi và SQF 2000 cho nhà máy chế biến. Và, đến nay kết quả rất đáng phấn khởi. Và, để tạo nên những bước đột phá mới trong phát triển nền công nghiệp chế biến thủy sản An Giang từ nay đến năm 2010, ngoài việc tập trung nâng công suất chế biến, đổi mới công nghệ các nhà máy hiện có để đạt công suất chế biến 110.000 tấn/năm, An Giang đang khẩn trương kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với công suất 6.000 tấn/năm tại các khu công nghiệp Bình Long- Châu Phú và Bình Hòa- Châu Thành. Đồng thời, các nhà máy chế biến thủy sản hiện nay cũng đã có kế hoạch nâng công suất, cải tiến công nghệ, dự kiến khả năng chế biến có thể tăng từ 20- 30% vào năm tới.
Công nghiệp chế biến thủy sản An Giang đang dần đi vào ổn định và vững chắc. Một liên kết mới được đặt ra: “Liên kết 5 nhà”. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam khẳng định: Cách liên kết 5 nhà tại An Giang là một hình thức mới, tạo một bước đột phá giải quyết được mâu thuẫn giữa người nuôi và doanh nghiệp trước đây. Qua đó, sẽ giúp An Giang ổn định sản xuất và có ngành công nghiệp chế biến thủy sản bền vững trong tương lai.
Nguồn:AGOL-bannhanong.vietnetnam.net (21/3/2006)
|