Cơ hội tiếp cận công nghệ quốc tế chế biến nông sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tham gia Hội chợ quốc tế về công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản, thực phẩm được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 9 đến 12/5.
Hội chợ lần này sẽ là dịp để các nhà sản xuất kinh doanh nông sản Việt Nam mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư, trao đổi công nghệ và xúc tiến thương mại nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD hàng nông sản trong năm nay và thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu những năm tiếp theo.
Tại hội chợ, các doanh nghiệp sẽ giới thiệu những máy móc, dây chuyền, thiết bị mới nhất và trao đổi kinh nghiệm liên quan đến công nghệ chế biến, in ấn, bao bì, đóng gói và bảo quản các loại nông sản, thực phẩm.
Trong thời gian diễn ra hội chợ, hai hội thảo chuyên ngành về nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm Việt Nam để hội nhập quốc tế và xu hướng phát triển ngành chế biến nông sản trên thế giới sẽ được tổ chức.
Số liệu từ Cục Chế biến nông sản và nghề muối cho biết, hiện cả nước có khoảng 600.000 cơ sở chế biến nông sản với 220.000 máy chế biến nông sản cỡ nhỏ. Như vậy, bình quân khoảng 50 hộ gia đình mới có một máy chế biến, đây là mức thấp so với các nước trong khu vực. Công nghệ của cơ sở này đa số còn lạc hậu nên chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao.
Theo Cục trưởng Bạch Quốc Khang, mặc dù nông sản Việt Nam được xuất khẩu với số lượng lớn nhưng trên 80% được xuất dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không cao, kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng.
Ngành rau-quả năm 2005 là một ví dụ, dù xuất khẩu tới 6,5 triệu tấn nhưng tổng công suất chế biến cả nước chỉ đạt khoảng 290.000 tấn/năm. Hơn nữa, công nghệ bảo quản trái cây tươi kém khiến các nhà máy chỉ hoạt động được 20-30% công suất. Do vậy, hiện mới chỉ có khoảng 12% sản lượng hoa quả được sử dụng cho xuất khẩu tươi và làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Nguồn:TTXVN-bannhanong.vietnetnam.net (16/03/2006) |