Đồng bằng sông Cửu Long: hiệu quả chương trình 3G3T.
Các tỉnh ĐBSCL đã và đang triển khai rộng rãi chương trình "ba tăng, ba giảm" (BTBG) nhằm chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất lúa và bước đầu đạt được kết quả rất phấn khởi.
Giá thành sản xuất 1 kg lúa ở ruộng áp dụng "ba giảm" thấp hơn so với ruộng nông dân 138 đồng. Lợi nhuận tăng hơn 1,1 triệu đồng/ha, giảm chi phí 637.870 đồng/ha. Tuy nhiên, trong vụ xuân 2005-2006, rầy nâu và bệnh đạo ôn lại phát triển và gây hại trên một số giống nhiễm, đã gây hoang mang và lo lắng cho nông dân. Do đó, việc đánh giá hiệu quả của chương trình BGBT đối với mức độ nhiễm rầy nâu và đạo ôn là hết sức cần thiết trong công tác chỉ đạo sản xuất vụ hè thu 2006, cũng như trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Chi cục BVTV các tỉnh, những ruộng hoặc cánh đồng áp dụng BGBT thì rầy nâu và đạo ôn cũng có xuất hiện nhưng với mức độ từ trung bình, nhẹ; còn những ruộng nông dân không áp dụng BGBT, nhất là những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm... mức độ lại bị nhiễm rầy nâu cao và đạo ôn (cấp 5-9) tương đối nặng. Qua đây cho thấy, trong cùng loại giống lúa Jasmine, hoặc lúa thơm nhiễm rầy ở những ruộng sạ dày từ 150-200 kg/ha và bón nhiều phân đạm trên 100 kgN/kg thì bị nhiễm rầy nâu mật số cao (trên 4.000 đến 5.000 con/m2) trong khi các ruộng áp dụng BGBT mật độ sạ thưa (80 kg/ha) bón phân đạm vừa phải (70 đến 80 kg N/ha) lại có mật số rầy nâu thấp (dưới 1.000 con/m2) không cần phun thuốc trừ rầy và nhiễm bệnh đạo ôn cũng rất thấp. Chính vì vậy, mà Bộ NN-PTNT khuyến cáo bắt buộc những vùng trồng giống lúa đặc sẳn, lúa chất lượng cao, nhiễm rầy và đạo ôn từ vụ hè thu 2006 trở đi phải áp dụng biện pháp BGBT, nhằm hạn chế sự phát sinh, gây hại của rầy chuyển tiếp từ vụ đông xuân 2005-2006 ở các tỉnh ĐBSCL. Đây được xem là một giải pháp chiến lược mang tính sinh thái và bền vững.
Ông Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, diện tích áp dụng BGBT của nông dân ĐBSCL trong vụ đông xuân vừa qua là 379.915 ha, chiếm tỷ lệ 25,2% diện tích. Với kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa, tính ra mỗi ha bà con nông dân đã giảm bình quân được 49 kg giống (tương đương 137.556 đồng/ha). Việc bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa và sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, tính ra bình quân mỗi ha cũng giảm hơn 28 kg đạm (tương đương 159.490 đồng/ha). Việc quản lý dịch hại theo biện pháp tổng hợp, kết hợp giảm giống, giảm phân nên hạn chế số lần phun thuốc BVTV trên các cánh đồng BGBT, bình quân mỗi ha bà con nông dân giảm được 1,9 lần thuốc trừ sâu bệnh (tương đương số tiền 290.148 đồng/ha). Song song đó, việc áp dụng kỹ thuật canh tác mới, đã giúp bà con nông dân tăng năng suất bình quân mỗi ha hơn 150 kg (tương đương 342.332 đồng/ha). Nhờ đó, lợi nhuận tăng bình quân ở các điểm thực hiện hơn 1 triệu đồng/ha, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Nguồn:TTKNQG-bannhanomg.com (15/3/2006)
|