Đổ vốn đầu tư vào ĐBSCL:lĩnh vực nào sinh lợi cao?
Cùng với cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trên đà phát triển. Kéo theo là một nhu cầu vốn đầu tư ngày càng lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, công nghiệp… Trước nhu cầu vốn đa dạng này, các ngân hàng trong khu vực đang nhắm hướng đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực gì?
ĐBSCL có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái và là vựa lúa của cả nước. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhiều ngành nghề phát triển, xuất hiện những nhu cầu vốn mới, mà các ngân hàng có thể tập trung đầu tư vào một số trọng điểm... Đầu tiên, là lĩnh vực thủy hải sản (ĐBSCL chiếm 52% sản lượng của cả nước). Nhu cầu vốn của các công ty cũng như hộ nuôi tập trung vào các mục đích như: giống, cải tạo ao, thức ăn. Tùy theo điều kiện thực tế, hiện nay ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ phát triển nghề nuôi cá ba sa, cá tra... dưới hình thức ao, bè hoặc đăng quầng dọc bên hai bờ sông Hậu để xuất khẩu. Các tỉnh vùng biển như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh... đẩy mạnh nghề nuôi tôm. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, năm nay Việt Nam sẽ xuất sang thị trường Nhật khoảng 600 triệu USD hàng thủy sản, trong đó chủ yếu là mặt hàng tôm. Những năm gần đây, sản lượng tôm Việt Nam nhập vào Nhật tăng 20-30% so với trước. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy hải sản Việt Nam ngày càng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn tiêu thụ theo những tiêu chuẩn khắt khe như Nhật, Mỹ, các nước liên minh châu Âu (EU),... Do đó, việc mở rộng quy mô nuôi trồng của các vùng nguyên liệu là tất yếu và nhu cầu vốn theo đó ngày càng tăng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khẳng định được tên tuổi mình: Nam Việt (An Giang), Kim Anh, Út Xi (Sóc Trăng), Minh Phú (Cà Mau),... Tuy nhiên, với nhu cầu thị trường thì chắc chắn cần phải có thêm nhiều doanh nghiệp nữa. Bởi hiện tại ĐBSCL vẫn chỉ xuất khẩu thủy hải sản dưới dạng thô là chủ yếu, qua tinh chế còn rất hạn chế, nên chưa tạo được thu nhập cao. Đây là cơ hội rất tốt cho các ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro cần phải cân nhắc khi tiến hành thẩm định cho vay ở lĩnh vực này. Đó là dịch bệnh, rớt giá, đặc biệt bị vướng những tiêu chuẩn khó cũng như các điều kiện pháp lý mà thời gian qua đã gặp phải.
Khoảng 3 năm trước, hoạt động tín dụng của các ngân hàng tại các tỉnh ĐBSCL chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực vật nuôi – cây trồng, giống, phân bón,... Và thị phần ở các tỉnh ĐBSCL chủ yếu là của Ngân hàng thương mại Nhà nước, các ngân hàng cổ phần nông thôn và các quỹ tín dụng nhân dân. Hai năm trở lại đây cơ cấu cho vay này đã chuyển dịch dần sang công nghiệp, dịch vụ, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) xuất hiện ngày càng nhiều dưới hình thức các chi nhánh, hoặc sáp nhập với các quỹ tín dụng, hay các ngân hàng cổ phần nông thôn có quy mô nhỏ tại địa phương. Điều này cho thấy các ngân hàng trong khu vực đang chuyển hướng mạnh theo thị trường vốn cho nhu cầu phát triển.
ĐBSCL là vùng có những làng nghề truyền thống lâu đời, những vườn cây ăn trái đặc sản không vùng nào so sánh bằng. Chẳng hạn như làng gốm đỏ (Vĩnh Long), lụa Tân Châu, mắm Châu Đốc (An Giang); bánh pía (Sóc trăng); bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình (Vĩnh Long),... Những sản phẩm của các làng nghề này đã tạo được tên tuổi của mình trong nước và vươn ra thị trường thế giới. Vốn đầu tư cho các lĩnh vực này chủ yếu chi phí sản xuất, nguyên liệu, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Đây là những ngành nghề gắn bó lâu đời với người dân, vì vậy việc đầu tư sẽ mở rộng qui mô sản xuất, xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt kinh tế -xã hội tại địa phương. Đặc biệt, trong tháng 1-2006 vừa qua, tại Cái Bè (Tiền Giang) đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia, một yếu tố tích cực góp phần tạo đầu ra ổn định cho các nhà vườn.
Những năm gần đây, loại hình du lịch sinh thái, du lịch vườn kết hợp ăn uống với những đặc sản của vùng sông nước Nam bộ đã thu hút du khách trong và nước ngoài. Nếu có mối liên kết tốt giữa các nhà vườn (sau khi đã cải tạo và có những tiện nghi nhất định phù hợp) với các công ty du lịch các công ty lữ hành, sẽ tạo thành mạng lưới du lịch khép kín. Với chi phí đầu tư không nhiều nhưng nếu tạo được ấn tượng và uy tín sẽ có hiệu quả cao.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 42 về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố Cần Thơ, trung tâm của vùng ĐBSCL, đã mở ra nhiều triển vọng. Nhiều công trình, dự án đang được xúc tiến như: mở rộng sân bay Trà Nóc thành sân bay quốc tế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia,... và các dự án để phục vụ yêu cầu phát triển vùng. Cùng với dự án cầu Cần Thơ sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2008, vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, đưa vùng này hòa vào sự phát triển chung của cả nước. Để đáp ứng cho nhu cầu đó, các ngân hàng phải chuẩn bị cho mình một nguồn nhân lực đủ tầm cho phát triển. Đội ngũ cán bộ đó giúp các ngân hàng nâng cao trình độ, chất lượng thẩm định khách hàng, thẩm định các dự án; tính toán, thẩm định nguồn thu từ dự án là cơ sở để trả nợ ngân hàng; tính toán kỳ hạn trả nợ chính xác để hạn chế tối đa việc phát sinh nợ xấu. Khi tăng trưởng các danh mục cho vay phải xác định được những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến bất động sản của những đô thị mới phát triển như: Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá... và sự biến động giá của thị trường, ảnh hưởng của tình hình thế giới đến xuất nhập khẩu.
Nếu các ngân hàng chuẩn bị tốt và thực hiện mở rộng cho vay hiệu quả các lĩnh vực trên, không chỉ các ngân hàng tăng lợi nhuận một cách bền vững mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.
Nguồn:CTOL-bannhanong.vietnetnam.net (13/3/2006)
|