Thủy sản ĐBSCL:Bao giờ hết cảnh “đưa củi về rừng”?
Gần 100.000 ha nuôi tôm sú đầu vụ bị thiệt hại. Nguồn tôm nguyên liệu cạn kiệt, các nhà máy chế biến chỉ hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, chu kỳ “khủng hoảng”: thiếu nguyên liệu cá tra, cá basa lại tái diễn, đẩy giá cá tra, cá basa vượt qua ngưỡng 13.500 đồng/kg.
Nông dân sản xuất quy mô nhỏ bị đào thải?
Mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản đặt ra trong năm 2006 là 2,8 tỷ USD, tăng khoảng 150 triệu USD so với năm 2005. Liệu có thể đạt được mục tiêu này, khi có lúc ngành thủy sản đã “hụt hơi” trước sóng gió thương trường trong thời gian qua. GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang chỉ ra rằng: Phần lớn các doanh nghiệp ở ĐBSCL thích mua hàng trôi nổi, tìm ai bán rẻ nhất thì mua. Nông dân lại thích bán hàng cho thương lái hơn là bán cho doanh nghiệp. Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam mất lòng tin nên ít gắn bó nhau.
Thị trường trong xu hướng hội nhập sẽ là hàng hóa chất lượng cao và đồng nhất; khối lượng lớn; giao hàng cùng một thời điểm; giá cạnh tranh nhất. Nhiều thách thức mà nông dân Việt Nam phải đối diện. Nhiều qui định và điều lệ mới về đăng ký gia nhập và kiểm soát sản phẩm sẽ được áp dụng trong khi nông dân chưa sẵn sàng. Luật Chống khủng bố sinh học có thể làm tăng chi phí điều hành cho các sản phẩm xuất vào Mỹ...
GS.TS. Võ Tòng Xuân cho rằng: Cần phải cải cách cơ chế: quyền sở hữu đất, cấp tín dụng nông thôn, chuyển giao kỹ thuật, kiểm định chất lượng và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, điều tiết sự cạnh tranh và tự do mậu dịch. Làm sao cho nông dân tham gia vào hệ thống sản xuất lớn, có thể trụ vững lâu dài; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nào muốn tham gia. Có phương án tháo lui cho những nông dân sản xuất quy mô nhỏ không trụ được trong hệ thống. Trong quá độ sẽ có nhiều nông dân sản xuất quy mô nhỏ bị đào thải. Muốn đứng vững trong giai đoạn mới, nông dân sản xuất quy mô nhỏ cần có khả năng thích nghi với hệ thống hiện đại.
Chiến lược thị trường và chiến thuật cho kênh phân phối
Câu hỏi được đặt ra: các cấp lãnh đạo ở ĐBSCL cần hành động gì? Cần gắn kết “nhà doanh nghiệp với nhà nông” một cách chặt chẽ để đảm bảo: nhà nông có đầu ra ổn định, nhà doanh nghiệp có nguyên liệu thật đúng chất lượng và ổn định cho kế hoạch sản xuất của mình!
An Giang đã đẩy mạnh hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp để sản xuất cá tra sạch, cá tra sinh thái trên cơ sở đầu tư kỹ thuật và giám sát chất lượng để từ đó truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết. Hiện nay, tình trạng khan hiếm tôm sú nguyên liệu ở ĐBSCL ngày càng gay gắt. Nhiều doanh nghiệp phải nhập tôm sú nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến lại. Cách làm “đưa củi về rừng” này đã bộc lộ những yếu kém về nguyên liệu. ĐBSCL với gần 600.000 ha nuôi tôm có thể nói là nguồn nguyên liệu rất dồi dào, nhưng lại nảy sinh khan hiếm nguyên liệu cục bộ vào thời điểm giáp vụ.
Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam phải có chiến lược phát triển thị trường căn cơ. Cụ thể là nghiên cứu sở thích của người tiêu dùng đối với các sản phẩm an toàn vệ sinh. Theo dõi giá cả cạnh tranh trên thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Thiết kế mẫu mã bao bì và giàn máy sản xuất sản phẩm; quảng cáo và khuyến mãi sản phẩm có chất lượng. Chiến lược này phải gắn chặt với chiến thuật phân phối. Cần bóc tách các sản phẩm từ vùng qui hoạch khỏi các sản phẩm khác trên các quầy hàng siêu thị. Dựng lên những trung tâm phân phối gần vùng sản xuất để tiện ích cho nông dân mang sản phẩm đến. Rút ngắn thời gian từ đồng ruộng đến bàn ăn.
Theo Bộ Thủy sản, mối quan tâm hàng đầu được đặt ra trong năm 2006 là vấn đề cải thiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nếu không làm được điều này thì nguy cơ đe dọa đến sự phát triển bền vững của thủy sản Việt Nam càng gia tăng.
Nguồn:Sggp-bannhanong.vietnetnam.net (13/3/ 2006) |