Phải phát triển bền vững mới cứu hộ được “mỏ tôm” Cà Mâu !
Bán đảo Cà Mau đã được Chính phủ quy hoạch thành 1 trong 5 vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước.Tỉnh CMcũng đã địinh hướng đến năm 2010,sản lượng tôm xuất khẩu đạt giá trị 1 tỷ USD.Hiện tình nuôi tôm ở CM như 1 tấn bi-hài kịch.Như “con bạc khát nước”, càng thua càng gỡ, hễ có trong tay đồng nào là nông dân lại mua tôm giống ném xuống ao, bất chấp mọi rủi ro, thiệt hại.

Hiện nay, chính quyền các xã ở bán đảo Cà Mau đang có một điểm chung: Đề nghị ngân hàng khoanh nợ, xóa nợ cho nông dân. Tuy nhiên, đó là điều không tưởng bởi “rủi ro trong nuôi tôm không thuộc trường hợp thiên tai, địch họa trên diện rộng nên Chính phủ không thể khoanh nợ, xóa nợ cho người nuôi tôm”, ông Trần Kỳ Lộc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cà Mau, khẳng định.
Vậy, làm gì để cứu “mỏ tôm” Cà Mau thoát khỏi tình trạng đất đai bỏ hoang, còn người thì bồng bế nhau tha phương cầu thực để vừa kiếm miếng ăn vừa đi trốn nợ?
Nông dân hợp tác với nông dân.
Có một thực tế không thể phủ nhận ở bán đảo Cà Mau: Ở nhiều nơi, dân nuôi tôm lại muốn “bỏ mặn tìm ngọt”, tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” tái diễn.
Tuy nhiên, hiện nay bán đảo Cà Mau đã được Chính phủ quy hoạch thành 1 trong 5 vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước, nông dân Cà Mau không thể tùy tiện phá vỡ quy hoạch một lần nữa mà phải chấp nhận “chung sống với nước mặn” để nuôi tôm. Nhưng, mô hình nào cho cư dân bán đảo Cà Mau nuôi tôm bền vững, ít rủi ro, giảm thiểu thiệt hại? Theo sở thủy sản các tỉnh trong khu vực, mô hình tổ hợp tác nuôi tôm như ở Bình Đại, Bến Tre có vẻ phù hợp với điều kiện của bán đảo Cà Mau.
Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, cho rằng ở bán đảo Cà Mau phần lớn diện tích nuôi tôm theo kiểu quảng canh nên mô hình tổ hợp tác nếu gắn kết được doanh nghiệp và vùng nguyên liệu thì có khả năng thành công.
Thời gian qua, ở những vùng nuôi tôm quảng canh lớn của Cà Mau như Năm Căn, Ngọc Hiển... đã có các mô hình tổ hợp tác nuôi tôm tuy quy mô nhỏ nhưng khá thành công: Nông dân tự sản xuất trong ao, vuông của mình nhưng phải tuyệt đối tuân thủ quy trình kỹ thuật chung (GAP), thường xuyên trao đổi kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến, đồng thời tự giác kiểm soát việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm. Các doanh nghiệp sẵn sàng thu mua toàn bộ sản phẩm của các tổ hợp tác tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất tôm sạch. Mô hình tổ hợp tác nuôi tôm ở Bến Tre hình thành từ năm 2001 ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Ban đầu chỉ có vài hộ nông dân tham gia hùn 16 ha đất nuôi tôm với các kỹ sư của Sở Thủy sản Bến Tre. Đến hết năm 2005, toàn tỉnh Bến Tre có 108 tổ hợp tác nuôi tôm trên diện tích 6.500 ha.
Ông Đức đưa ra ý tưởng: Muốn giảm thiểu thiệt hại thì phải chấm dứt ngay tình trạng nuôi tôm nối vụ, thực hiện nuôi tôm cắt vụ. Theo ông Đức, nuôi tôm cắt vụ (ngưng 4 - 5 tháng trong năm) sẽ giúp nông dân có thời gian xử lý nguồn nước, mầm bệnh tồn lưu một cách triệt để. Tuy nhiên, mô hình này có điều bất tiện là trong khoảng thời gian cắt vụ, người nuôi tôm không có nguồn thu nhập khác để sinh sống.
Tại Bạc Liêu, ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản, cho biết tỉnh đang rất chú ý mô hình hợp tác nuôi tôm và ráo riết chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai mô hình này trong dân vì đây là mô hình bền vững, mức độ rủi ro, thiệt hại thấp.
Ông Giang bày tỏ: “Nhiều hộ nuôi tôm thất bại do không đầu tư đến nơi đến chốn vì thiếu vốn. Liên kết sản xuất sẽ giúp giảm chi phí, có sự hợp tác chặt chẽ trong việc kiểm soát các mầm bệnh, nguồn lây bệnh và những rủi ro”. Theo ông Giang, hiện nay các cán bộ của Sở Thủy sản Bạc Liêu đã bước đầu thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết nuôi tôm để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn.
Trong khi đó ở huyện Hòa Bình, nhiều nông dân rất muốn xây dựng mô hình hợp tác nuôi tôm nhưng lại sợ rơi vào “vết xe đổ” của phong trào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trước đây và quan trọng hơn là chưa có ai đứng ra làm đầu tàu.
Nông dân hợp tác với doanh nghiệp.
Ở bán đảo Cà Mau, nói đến nuôi tôm sú ai cũng biết tiếng “vua tôm” Sáu Cần ở Long Phú, Sóc Trăng. Vốn mạnh, có trong tay đội ngũ kỹ sư thủy sản lành nghề nên trong lúc nhiều người thất điên bát đảo vì nuôi tôm thì ông Sáu Cần trúng tôm dài dài nhờ phương pháp nuôi rải vụ. Nhưng ông Sáu Cần nói rằng, phương pháp nuôi tôm rải vụ không dành cho người có đất ít, vốn liếng eo hẹp.
Theo ông Cần, hiện nay những hộ nông dân ít đất có thể cho các doanh nghiệp thuê (hoặc nông dân lấy đất làm vốn hùn với doanh nghiệp nuôi tôm theo mô hình công ty cổ phần), người dân không mất đất mà còn có cơ hội quay trở lại làm công nhân trên vuông tôm của mình.
Ông Phạm Văn Đức cũng tán thành việc nông dân mang đất làm vốn hùn nuôi tôm với doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê lại đất. Tuy nhiên, nông dân cũng phải có thiện chí hợp tác theo kiểu đôi bên cùng có lợi thay vì bỏ đất hoang.
Ông Đức dẫn chứng: Mới đây, Doanh nghiệp tư nhân Chế biến thủy sản Minh Phú của Cà Mau thấy nông dân nuôi tôm thất bát bỏ đất trống nên đi thuê đất của dân để xây dựng vùng nuôi tôm nguyên liệu. Nhưng điều mà doanh nghiệp này không lường được là nhiều nông dân rất “chảnh”: Thà bỏ đất hoang chứ cho doanh nghiệp thuê là phải ép giá cao. Hiện tại giá cho thuê đất nuôi tôm loại tốt ở Cà Mau khoảng 8.000 đồng/m2/năm nhưng nhiều nông dân đòi gấp 3 - 4 lần giá trị thực.
Kết quả là Minh Phú phải chạy sang Kiên Giang thuê 300 ha để xây dựng vùng nuôi tôm nguyên liệu. Theo ông Đức, thái độ bất hợp tác của nông dân chính là cản ngại lớn nhất trong quá trình xúc tiến thực hiện mô hình công ty cổ phần hoặc tổ hợp tác nuôi tôm và đó cũng là trở ngại cần phá vỡ trước tiên nếu muốn thay đổi cung cách sản xuất để cứu bán đảo Cà Mau khỏi viễn cảnh “đất chết” do hoang hóa, nhiễm mặn.
Nguồn:VNECONOMY-bannhanong.vietnetnam.net (10/03/2006)
|