Quảng Ngãi: nâng cao năng suất cây mía, chế biến đường và các sản phẩm sau đường.
Đó luôn là vấn đề được quan tâm thường xuyên trong nghề trồng mía, chế biến đường ở tỉnh Quảng Ngãi. Lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp và các ngành, đơn vị có liên quan, chính quyền và cấp uỷ địa phương có vùng mía đều quan tâm lãnh đạo để đạt mục tiêu đề ra.
Nhưng năng suất mía nâng lên rất chậm và không ổn định. Có thể thấy, năng suất mía trong nhiều năm chỉ trên dưới 50 tấn/ha (năm 1999 xấp xỉ 46 tấn, năm 2002: Xấp xỉ 50 tấn, năm 2004: 52,8 tấn/ha). Tìm hiểu về các yếu tố để tăng năng suất mía như giống, kỹ thuật canh tác, phân, nước và chăm sóc, theo thông tin từ Sở NN & PTNT và Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì giống mía cho năng suất và chữ đường cao ở tỉnh ta thời gian qua đã được sử dụng trên diện tích rộng. Trong đó, các giống như ROC 10, MY 55-14 cho năng suất tương đối cao. Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các huyện đã hướng dẫn kỹ thuật trồng mía giống mới cho nông dân. Hầu hết nông dân đã khá thành thạo trong việc trồng và bón phân cho mía. Nước tưới thì phần lớn đã có thể chủ động, nhưng nhiều vùng còn nhờ nước trời sẽ được tiếp tục tìm cách khắc phục.
Nhìn chung, đã có những điều kiện để nâng cao năng suất cây mía và có khả năng nâng năng suất bình quân từ 50 tấn lên 60 - 70 tấn/ha, có vùng có thể lên đến 100 tấn/ha.
Vậy thì, còn yếu tố nào khiến năng suất cây mía chậm được nâng lên? Qua tiếp cận với một số nhà nông và nhà quản lý sản xuất nông nghiệp, xin nêu ra ý kiến sau đây để cùng nghiên cứu. Đó là vấn đề chăm sóc mía sau khi trồng. Hiện nay, nhiều hộ nông dân trồng mía theo hình thức quảng canh, ít đầu tư cho việc chăm sóc. Vì mía dễ trồng, trồng xong để đấy vẫn có thu hoạch. Dành thời gian đi làm việc khác có lợi hơn như làm dịch vụ hoặc phát triển chăn nuôi để có tổng thu nhập lớn hơn. Nếu dốc sức vào việc tăng năng suất cây mía khi giá mía quá "bèo" lại khó bán như nhiều năm trước đây thì hiệu quả kinh tế cũng thấp. Một số nông dân nói rằng nếu giá mía hấp dẫn thì năng suất mía lập tức sẽ cao; nông dân sẽ đầu tư cho trồng trọt và chăm sóc gấp bội thay vì trồng rồi để đó, lo chạy làm thêm việc khác.
Vậy giá mía hấp dẫn là thế nào? Cũng qua tìm hiểu, người trồng mía mong rằng: Nhà máy cần gắn kết với nông dân để nông dân cùng được chia lợi và cùng gánh chịu rủi ro mỗi khi giá đường lên xuống thất thường. Cần có chính sách về giá mua mía như quy định giá mua 1 tấn mía của nhà máy tương ứng với bao nhiêu kilôgam đường tại thời điểm mua mía. Chẳng hạn, với giá mua mía hiện nay là 420.000đ/tấn là ứng với 42 kg đường (với giá đường 10.000đ/kg). Cuối cùng giá thế nào là hợp lý? Cần nghiên cứu đầy đủ trước khi quyết định, nhưng theo hướng người trồng mía và công nhân chế biến đường cùng được hưởng lợi và cùng chịu rủi ro một cách công bằng. Cần thực hiện công-nông liên minh ngay trong việc trồng mía và chế biến đường.
Tin rằng, nếu quy định giá cả mua mía hợp lý, thì chắc chắn năng suất mía sẽ tăng. Vì nông dân sẽ tập trung chăm sóc đồng mía, sẽ khắc phục được tình trạng thiếu mía cho nhà máy. Và như thế sẽ có lợi cho cả người trồng mía, nhà máy và Nhà nước. Với giá đường như hiện nay, giá mà có đủ mía cho hai nhà máy đường của tỉnh thì Nhà nước, nhà nông, nhà máy cùng có lợi..
Nguồn:QNGOL/KNQG-bannhanong.vietnetnam.net (6/3/2006)
|