Điều kỳ diệu từ cây bèo tây !
Chúng tôi tìm đến mô hình trang trại sản xuất nấm, mộc nhĩ của gia đình anh Đỗ Văn Lý với mong muốn tìm hiểu về mô hình phát triển kinh tế khá hiệu quả của một thanh niên trên vùng đất Thượng Mỗ (Đan Phượng). Thật không ngờ giữa những dãy lán trại sản xuất mộc nhĩ, chúng tôi đã bắt gặp một điều kỳ diệu: Hàng chục lao động trẻ đang hăng say đan những chiếc đĩa, hộp, khay, làn, valy, bình... từ cây bèo tây!
Gắn bó với quê hương Đan Phượng, anh Đỗ Văn Lý luôn trăn trở, tìm tòi những phương hướng phát triển kinh tế, giải quyết việc làm trên vùng đất thuần nông. Anh đã đi tới nhiều vùng, miền trên khắp cả nước, học hỏi những điều hay, những cách làm kinh tế hiệu quả cao để về ứng dụng trên quê hương mình. Năm 1997, bắt tay vào làm nấm, mộc nhĩ với rất nhiều bỡ ngỡ từ cách làm giống, đóng, xếp bịch, nuôi sợi nấm, rạch bịch rồi tưới ẩm, chăm sóc, thu hái, bảo quản... Những khó khăn cũng qua đi, trang trại nấm, mộc nhĩ đã hình thành, hiệu quả bắt đầu được khẳng định. Không bằng lòng với nghề làm nấm, mộc nhĩ, anh Lý bắt đầu suy tính phải tìm kiếm thêm nghề khác nữa vừa có thu nhập cao hơn, lại có thể thu hút được lao động địa phương lúc nông nhàn thường đi làm thuê ở Hà Nội vừa vất vả, lại không ổn định. Thấy trên các phương tiện thông tin tuyên truyền nhiều đến các làng nghề làm mây tre giang đan có hiệu quả, thị trường xuất khẩu lớn, thu hút được các hộ gia đình làm nghề ngay tại nhà với thu nhập cũng khá. Vậy là anh Lý mày mò tới các làng nghề ở Chương Mỹ, rồi Hà Nam vừa học nghề, liên hệ các mối hàng để có thể đem nghề về Thượng Mỗ. Bắt tay vào làm mây tre giang đan với đầy những bỡ ngỡ của anh lính mới, thợ lành nghề chưa có, phải mất thời gian, công sức đào tạo lao động, nguyên vật liệu thu mua khó khăn, giá thành cao, sản phẩm làm ra còn nhiều lỗi, không cạnh tranh được với các làng nghề truyền thống...
Chính vì vậy chi phí bỏ ra không được bù đắp, chỉ qua 3 tháng bắt tay vào nghề, anh Lý đã bị thua lỗ mất hơn 30 triệu đồng. Vậy là lại trằn trọc suy tính, bàn bạc với vợ và anh em, bạn bè, một quyết định khó khăn được đưa tới: Từ bỏ nghề mây tre giang đan. Thất bại đau nhưng không nản, anh Lý nung nấu phải làm một cái gì đó để “phục thù”. Lang thang trên mạng Internet, rồi tìm vào thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu học hỏi cách làm ăn mới lạ, hiệu quả.
Một phát hiện cực kỳ lý thú đã được anh Lý tìm ra, đó là nghề đan bèo tây (lục bình). Nhớ lại thời điểm này, anh Lý cho biết: Thấy người ta từ cây bèo tây mà đan được đủ cả từ bàn, ghế, giường, tủ, giá, kệ, thùng, khay, hộp, lọ, bình, con giống... với nguồn nguyên liệu gần như nhiều vô kể, nguồn tiêu thụ lại rất dồi dào, giá bán khá cao và nhất là nếu đưa được nghề về quê thì rất phù hợp với điều kiện lao động và tận dụng được những lao động đã làm mây tre giang đan. Thế là ở lỳ luôn trong đó, vừa học nghề, tìm hiểu cách làm, liên hệ các mối hàng.
Giữa năm 2005, trở về quê, khảo sát trong vùng thấy cây bèo tây vừa nhiều, đạt được các yêu cầu để có thể đan và nhất là khắp vùng chưa hề có ai biết và làm nghề này càng động viên anh gắn bó quyết tâm. Huy động lại cánh thợ cũ, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho những lao động mới học nghề và nhất là phải tích cực truyền nghề với việc thuê giáo viên từ trong Nam ra để dạy nghề, phát triển rộng tới các hộ gia đình trong vùng. Dần dần vợ chồng anh đã có được đội ngũ gần 200 thợ tay nghề khá. Thợ học việc được khuyến khích vừa không mất tiền học nghề lại được trả công 400.000 đồng 1 tháng, còn thợ giỏi được tình công ở mức 25.000 đồng 1 ngày công, các hộ gia đình làm tại nhà thì khoán công theo sản phẩm. Khâu thu mua nguyên liệu được anh Lý lặn lội đi các vùng hồ, ao, sông trong vùng để thu mua, cắt sát mặt gốc, bỏ phần lá, chỉ lấy phần thân dài trên 50cm rồi phơi khô, và tích trữ chật cả một kho lớn. Từ những sợi bèo tây khô này, những người thợ bắt đầu thoăn thoắt đôi tay khéo léo đan, tết, sau đó được tẩm, sấy, tẩy trắng thành những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt, rất được khách hàng trên thế giới ưa chuộng. Những sản phẩm đầu tiên từ cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Lý bắt đầu ra mắt, tuy mới chỉ thực hiện các công đoạn đan thô ban đầu nhưng đã đạt được các yêu cầu đề ra. 3 chuyến hàng được xuất bán cho các công ty trong thành phố Hồ Chí Minh với giá trị hơn 100 triệu đồng, càng khích lệ anh Lý và những người “thợ làng” quyết tâm gắn bó với nghề mới.
Một tương lai tươi sáng với cây bèo tây đang được anh Lý mở ra bắt đầu từ Thượng Mỗ lan ra khắp huyện Đan Phượng rồi sang Phúc Thọ, Thạch Thất... Mục tiêu thành lập Công ty với mạng lưới cơ sở sản xuất lan rộng ra hàng ngàn hộ gia đình gia, thực hiện toàn bộ các công đoạn sản xuất sản phẩm và tổ chức xuất hàng trực tiếp ra nước ngoài đang dần được những con người năng động đặt nền móng vững chắc từ một điều rất đơn giản: Chế biến sản phẩm thủ công xuất khẩu từ cây bèo tây!
Nguồn:HTOL-bannhanong.vietnetnam.net (4/3/2006)
|