Thanh Hóa:phụ nữ nông thôn biết chăn nuôi làm giàu.
...Không chỉ làm giàu cho mình, nghĩ cho mình mà chị
còn nghĩ đến những người khác. Mỗi năm để giải quyết công ăn việc làm cho công
nhân, chị đã đưa lợn nái ngoại, lợn thịt cao sản vào chăn nuôi để nông dân học
tập làm theo; đồng thời chị cũng rút ra cho mình kinh nghiệm về xây dựng chuồng
trại...
Một ngày đầu năm, khí trời hơi se lạnh, chúng tôi đến thăm xã Hà Lĩnh -
một vùng đất chiêm trũng, bán sơn địa của huyện Hà Trung, nơi mà cách đây không
lâu cuộc sống bà con gặp rất nhiều khó khăn, đất đai không giúp nhiều để người
dân thâm canh các loại cây trồng nhưng giờ đây những kết quả thu được từ nông
nghiệp không chỉ tiếp thêm sức sống của bà con ở đây mà còn khiến cho những
người khách như chúng tôi cũng vui lây. Được xã giới thiệu đến gia đình chị
Chung Nghĩa- một gia đình phát triển chăn nuôi có hiệu quả của xã. Đến thăm
trang trại gia đình chị, tôi không khỏi bàng hoàng, bởi trang trại nằm giữa một
thung lũng đồi núi, với 15 héc ta nhãn và cây ăn quả đang phủ màu xanh tươi trẻ
và tràn đầy sức sống đã tạo cho cảnh sắc và con người nơi đây trở nên gần gũi và
trìu mến.
Khi nghe chị giới thiệu, tôi không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ
bởi chị chính là bà chủ của cái trang trại rộng lớn này. Vừa dẫn chúng tôi đi
thăm quan chị chỉ dẫn từng ô chuồng chăn nuôi lợn được thiết kế xây dựng theo
quy mô, sạch, thoáng, đẹp.
Chăn nuôi theo hình thức công nghiệp nên một dãy chuồng chị
dành riêng cho chăn nuôi lợn nái ngoại, dãy khác dành riêng cho chăn nuôi lợn
thịt. Chị Nghĩa cho chúng tôi biết: Ngoài việc vệ sinh chuồng trại chị còn phun
thuốc và rắc vôi xung quanh trại sau mỗi đợt xuất chuồng, cứ 6 tháng 1 lần chị
lại cho khử trùng xung quanh khuôn viên trang trại và từng dãy chuồng. Phân lợn
được bón cho vườn cây quanh trang trại, cải tạo vườn tạp, một phần dùng nuôi
cá... Chăn nuôi lợn theo kiểu công nghiệp của trang trại chị Nghĩa vừa có lãi,
vừa giữ được vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh. Hiện tại gia đình chị
nuôi trên 300 con lợn thịt, trong đó 200 lợn ngoại, 100 lợn nội; gần 20 lợn nái
nội cho sinh sản mỗi năm 2 lứa từ 12-14 con, 50 nái ngoại đang cho sinh sản.
Không chỉ làm giàu cho mình, nghĩ cho mình mà chị còn nghĩ đến
những người khác. Mỗi năm để giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, chị đã
đưa lợn nái ngoại, lợn thịt cao sản vào chăn nuôi để nông dân học tập làm theo;
đồng thời chị cũng rút ra cho mình kinh nghiệm về xây dựng chuồng trại. Không
những thế được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm tỉnh,
Trạm Khuyến nông huyện gia đình chị Nghĩa còn giúp những hộ dân xung quanh bằng
cách bán lợn con, thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật. Khi nào xuất chuồng mới phải thanh
toán, thậm chí có gia đình nghèo quá chị còn cho vay lứa lợn, bò mới để chăn
nuôi. Chị tâm sự với chúng tôi: "Một hộ gia đình nuôi 1 con lợn nái sinh sản đã
khó, 2 con còn khó hơn, muốn nuôi 10- 20 thì người dân không có điều kiện, bởi
nuôi một lợn mẹ đẻ cao sản ra thành phẩm phải hết 10 triệu, do đó mà người dân
sẽ gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Vì vậy, để người dân chăn nuôi có hiệu quả
mong rằng nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để người dân đầu tư cho trang trại nhỏ và
vừa từ 5 đến 10 con hoặc đầu tư cao hơn". Chính vì lẽ đó chị chỉ hỗ trợ được một
phần thức ăn, kỹ thuật, thuốc thú y cho 20- 30 con lợn và sau một lứa lợn 2,5 -
3 tháng mới thanh toán. Ngoài ra chị còn giúp các hộ nghèo cho nuôi rẻ bò, đầu
tư 1 bò nái đến khi đẻ chị thu 40%, còn 60% cho người nuôi hưởng.
Để sản xuất với quy mô công nghiệp thực sự chị đã thuê cán bộ
kỹ thuật, công nhân chăm sóc lợn theo đúng quy trình, đồng thời cũng thuê người
giúp chị hạch toán, tạo một cơ sở giữ liệu để quản lý trang trại, quản lý thu
chi và sự tăng trọng của đàn lợn. Trong thời gian tới chị sẽ tăng đàn lợn thịt
lên trên 1.000 con, lợn nái trên 200 con, phát triển đàn bò ngày càng nhiều hơn
nữa...
Chị tâm sự với chúng tôi: Muốn người dân phát triển lên nền
kinh tế, từng bước xoá đói giảm nghèo, để bộ mặt nông thôn thay đổi thì cần phải
có sự đầu tư của Nhà nước, của các ngành, đoàn thể. Còn với chị khi nào giúp
được cho một người là chị cảm thấy rất vui, chị chỉ sợ không đủ điều kiện để
giúp họ thôi. Vì quê hương, chị mong mỗi người dân ngày càng khấm khá và giàu
lên thì cuộc sống của họ đỡ vất vả và khó nhọc thôi.
Điều chị Nghĩa mong ước tuy cũng thật nhỏ bé nhưng đó cũng
chính là tâm tư, nguyện vọng của chị, một người phụ nữ Việt Nam tháo vát và đảm
đang. Tấm gương chị Nghĩa đáng được nhân rộng để đông đảo bà con trong tỉnh,
trong huyện nói riêng và bà con cả nước biết đến để học tập và làm theo.
Nguồn:TT KNQG-bannhanong.vietnetnam.net
(2/3/2006)
|