Nhân rộng mô hình
Hiệu quả mô hình một vụ lúa - một vụ tôm đã mang lại
lợi nhuận cao cho bà con nông dân, tăng thêm thu nhập từ 10 – 35 triệu đồng/ha
so với 2 vụ lúa.Ngân hàng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông thôn huyện hỗ trợ
cho những hộ nuôi tôm vay vốn từ 70 - 80 triệu đồng/ha (trước đây là 50
triệu/ha).
Xã Phú Thuận có diện tích đất nông nghiệp là 2.468 ha - chủ
yếu sản xuất 2 vụ lúa. Năm 2000, thực hiện chủ trương của Tỉnh về chuyển dịch cơ
cấu trong sản xuất nông nghiệp, xã đã vận động nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm
càng xanh xen vụ lúa. Hiệu quả mô hình một vụ lúa - một vụ tôm đã mang lại lợi
nhuận cao cho bà con nông dân, tăng thêm thu nhập từ 10 – 35 triệu đồng/ha so
với 2 vụ lúa. Do lợi nhuận cao nên một số nông dân đã bỏ canh tác lúa Đông Xuân
để sản xuất 2 vụ tôm. Chính vì thế, diện tích nuôi tôm càng xanh ở xã Phú Thuận
đã tăng nhanh từ 3,8 ha năm 2000, đến năm 2006 là 375,1 ha.
Điều đáng nói là theo thống kê của Trạm Khuyến nông huyện, chi
phí đầu tư trong năm 2004 vào khoảng 40 triệu/ha, năm 2005 đã tăng lên 50
triệu/ha. Trong đó, quản lý về dịch bệnh là một trong những nguyên nhân làm cho
chi phí đầu tư tăng cao. Do đó, để bảo vệ môi trường nuôi không ô nhiễm, tạo ra
vùng nuôi trồng thủy sản bền vững, ổn định và lâu dài là một yêu cầu cấp thiết
cần được quan tâm. Thực hiện chủ trương của UBND huyện Thoại Sơn, ngày
25/02/2006, Phòng Nông Nghiệp & PTNT huyện Thoại Sơn đã tổ chức hội thảo tại
UBND xã Phú Thuận để vận động nông dân thực hiện theo mô hình "một vụ lúa - một
vụ tôm", không thả tôm trái vụ và không sản xuất lúa vụ 3 ở các tiểu vùng chuyên
tôm nhằm giảm rủi ro và dịch bệnh trong quá trình nuôi.
Buổi hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo UBND xã Phú Thuận,
các cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp & PTNT, cùng với 40 hộ nông dân trong
xã.
Qua trao đổi, thảo luận các hộ nông dân đã thống nhất ý kiến
không thả tôm trái vụ, chỉ thả giống vào tháng 3 đến giữa tháng 7 dương lịch.
Đồng thời UBND xã sẽ kết hợp với Ngân hàng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông
thôn huyện để hỗ trợ cho những hộ nuôi tôm vay vốn từ 70 - 80 triệu đồng/ha
(trước đây là 50 triệu/ha).
Về lâu dài, đây là một việc làm rất cần thiết cho những vùng
quy hoạch nuôi thủy sản nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn cho bà
con nông dân.
Nguồn:TTKNQG-bannhanong.vietnetnam.net (2/3/2006)
|