Câu lạc bộ giống lúa: xu thế thương mại lúa giống ĐBSCL.
Trước đây, nông dân có thói quen sử dụng lúa “thịt” làm
hạt giống. Những năm gần đây, khi ý thức về tầm quan trọng của việc sử dụng
giống ngày càng cao, một số địa phương ở ĐBSCL đã thành lập tổ, câu lạc bộ sản
xuất giống lúa dưới sự hỗ trợ của Tiểu hợp phần sản xuất giống nông hộ.Đã đến
lúc cần có chính sách để các câu lạc bộ nhân giống lúa cộng đồng từng bước
thương mại hoá lúa giống do họ sản xuất.
Theo Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ ở tỉnh An Giang, Sóc Trăng,
Đồng Tháp, việc thành lập câu lạc bộ sản xuất giống lúa có nhiều lợi ích. Đó là
cung cấp giống chất lượng cao cho địa phương; nâng cao trình độ, kỹ thuật sản
xuất lúa giống, tăng lợi nhuận cho nông dân; tạo điều kiện cho họ tiếp thu các
tiến bộ kỹ thuật...
Câu lạc bộ tiếp sức cho trung tâm giống.
Trung tâm khuyến nông tỉnh An Giang cho rằng, việc
thành lập câu lạc bộ như là bước “đột phá” về giống trong sản xuất. Hiện tỉnh
này có trên 100 câu lạc bộ sản xuất lúa giống, bình quân có 10 người/ tổ nhân
giống. Với diện tích sản xuất của tỉnh khoảng 500.000 ha, nhưng các trạm, trung
tâm giống chỉ cung ứng 10% nhu cầu về giống lúa. Vì vậy, các câu lạc bộ đã tiếp
sức cho Trung tâm giống của tỉnh mà vẫn đảm bảo chất lượng hạt giống. Đến nay,
tỉ lệ sử dụng giống xác nhận, nguyên chủng trong dân tăng từ 10% (năm 2002) lên
40% (năm 2005).
Ông Bùi Minh Việt, Tổ trưởng Tổ nhân giống lúa ấp Vĩnh Hoà (xã
Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết, ban đầu, một số nông dân
giỏi được đào tạo quy trình nhân giống và kỹ thuật chọn tạo giống lúa đã thành
lập Tổ sản xuất giống lúa. Tổ này được ưu tiên mua giống nguyên chủng từ Trung
tâm giống của tỉnh và được hưởng chính sách trợ giá giống nguyên chủng của ngành
nông nghiệp với mức 1.500 đồng/kg và giống siêu nguyên chủng là 5.000
đồng/kg.
Ngoài ra, Tổ được vay trả ngân hàng với lãi suất 0%. Phần lớn
các thành viên trong tổ sản xuất giống xác nhận đều cấy 2-3 tép (khoảng 20-30 kg
giống/ha). Điều này đã chứng minh cho việc sạ thưa, giảm lượng giống trong phong
trào “3 giảm, 3 tăng”, giúp cải thiện đáng kể tình trạng lúa cỏ, lúa lẫn.
Đến nay, diện tích sử dụng giống xác nhận ở xã đạt 80% diện
tích sản xuất. Đối với các thành viên trong tổ, nhờ việc cung cấp lúa giống cho
bà con địa phương và vùng lân cận, nên có thêm thu nhập 1,5-2 triệu đồng/ ha
(giá bán lúa giống cao hơn giá lúa hàng hoá 200-300 đồng/kg).
Còn ở Đồng Tháp, đến nay có 41 câu lạc bộ sản xuất giống, trong
đó có 7 cơ sở đăng ký chất lượng với tỉnh. Điển hình câu lạc bộ Bình Thạnh Trung
hiện có 84 hộ tham gia với diện tích 84 ha. câu lạc bộ được hỗ trợ máy gặt xếp
dãy, lò sấy lúa, công cụ sạ hàng. Qua 2 năm với 4 vụ canh tác, câu lạc bộ sản
xuất và bán ra thị trường khoảng 550 tấn lúa giống.
Trong đó, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đã bao tiêu
hơn 250 tấn. câu lạc bộ sản xuất các giống nguyên chủng như OM 3241, OM 3536, VĐ
20. Ước tính vụ đông xuân này sản xuất hơn 600 tấn lúa giống. Công ty BVTV An
Giang đã hợp đồng tiêu thụ khoảng 50 ha với giá cả theo từng loại giống khác
nhau.
Câu lạc bộ vẫn còn những hạn chế.
Đại diện của câu lạc bộ này cho biết, nhờ có câu lạc bộ giống
mà nông dân trong xã thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, thấy được hiệu quả
của việc chọn lựa giống tốt, sạ thưa theo hàng, bón phân cân đối,... vừa cho
chất lượng cao, tăng lợi nhuận vừa giảm chi phí.
Do tự túc sản xuất giống nên câu lạc bộ tiết kiệm đựơc tiền mua
lúa giống khoảng 350- 450 ngàn đồng/ha. Nhưng khi bán ra lại có giá cao hơn lúa
lương thực 300-500 đồng/kg, cho lãi 900 ngàn đến 1,6 triệu đồng/ha. Tích luỹ lợi
nhuận, câu lạc bộ trang bị máy sấy, máy sàng lọc, sân phơi... góp phần làm tăng
chất lượng hạt giống.
Để sản xuất giống cộng đồng đạt hiệu quả, câu lạc bộ Vĩnh
Nhuận, An Giang rút ra kinh nghiệm: cấy là biện pháp tối ưu và chọn những giống
tương đối ngắn ngày để sản xuất giống. Loại giống phải được nhiều nông dân ưa
chuộng và thích nghi với vùng đất canh tác. Để lúa giống sản xuất đảm bảo cung
ứng kịp thời vụ, ruộng làm giống cần tranh thủ thời gian gieo mạ trước để thu
hoạch sớm hơn 7-10 ngày so với ruộng sản xuất bình thường.
Tuy nhiên, các câu lạc bộ bước đầu bộc lộ một số hạn chế. Theo
ông Phạm Văn Hiệp, Tổ trưởng Tổ giống Cống Đôi (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng),
công tác tiếp thị của câu lạc bộ còn hạn chế, ban chủ nhiệm chưa qua trường lớp
về quản lý tổ (câu lạc bộ). Nông dân chưa có vốn để lưu trữ giống và thiếu thiết
bị xử lý, chế biến sau thu hoạch (thường trao đổi lúa tươi). Khâu kiểm nghiệm,
kiểm định hạt giống còn nhiều bất cập, khâu sấy lúa theo tiêu chuẩn giống chưa
đảm bảo. Đây cũng là những hạn chế chung cho các câu lạc bộ khác.
Theo ý kiến của ông Việt (Tổ trưởng Tổ giống xã Vĩnh Nhuận),
cần xây dựng định hướng loại giống cần sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường
để đảm bảo nhu cầu lúa giống. Thành lập cơ quan kiểm định cấp địa phương đối với
giống nguyên chủng và xác nhận.
Nhà nước nên ban hành những qui định cụ thể để các câu lạc bộ
đăng ký kinh doanh, sản xuất giống (được phép đóng bao, công nhận chất lượng như
các trung tâm). Nên thành lập các mô hình hợp tác các tổ giống, có thể gọi là
hiệp hội sản xuất giống cộng đồng cấp khu vực. Đã đến lúc cần có chính sách để
các câu lạc bộ nhân giống lúa cộng đồng từng bước thương mại hoá lúa giống do họ
sản xuất
Nguồn:VNeconomy-bannhanong.vietnetnam.net (01/03/2006)
|