Giá đường thế giới tăng cao: Cơ hội để sắp xếp lại vùng nguyên liệu!
Các chuyên gia đều có chung nhận định "Đây sẽ là cơ
hội cho ngành mía đường VN khắc phục được vấn đề nguyên liệu cùng với việc mạnh
dạn cải tạo giống và các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng
mía để cả người trồng mía lẫn các nhà máy đều đảm bảo được lợi ích
chung".
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng đường thế giới trong
năm nay sẽ tăng từ 5-6%, trong khi đó sản lượng đường niên vụ 2005-2006 lại tăng
không đáng kể do giá nhiên liệu tăng nên một phần mía được các nước sản xuất lớn
chuyển qua sản xuất ethanol (chiếm 52% tại các nước khu vực Trung và Nam Mỹ).
Đây là nguyên nhân chính khiến giá đường thế giới bị đẩy lên cao và kéo dài.
Hiện tại thị trường London, giá đường dao động khoảng 450 USD/tấn đường trắng;
giá đường tại biên giới VN đã đạt gần 11.000 đồng/kg- mức cao kỷ lục trong vòng
10 năm qua. Dự đoán, niên vụ 2006-2007 này, nhu cầu tiêu thụ đường trên thế giới
thiếu từ 3-5 triệu tấn, trong khi lượng dự trữ giảm dẫn tới giá đường sẽ khó có
chiều hướng giảm.
Còn tình hình sản xuất và chế biến trong nước thì sao? Ông
Nguyễn Bái Dương, Phó phòng Chế biến- Bảo quản NLS (Cục Chế biến NLS & Nghề
muối- Bộ NN-PTNT) nói "Do không có nguyên liệu nên cho đến thời điểm này chỉ còn
37 nhà máy hoạt động, tuy nhiên công suất cũng chưa thể đáp ứng đủ, chỉ đảm bảo
chạy được khỏang 70% công suất. Theo kế hoạch, niên vụ 2005-2006, cả nước có
215.000 ha thu hoạch, dự kiến sẽ ép khỏang 10 triệu tấn mía nhưng cho đến lúc
này do hạn nặng tại các tỉnh có vùng nguyên liệu mía nên cả diện tích và năng
suất mía đều giảm, tính sơ bộ chỉ đạt 8,8 triệu tấn, tương đương trên 800.000
tấn đường. Như vậy cân đối với nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ thiếu trên
200.000 tấn đường." Giải thích về sự chênh lệch lớn giữa giá thu mua mía nguyên
liệu ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc (giá phía Nam cao gần gấp đôi phía Bắc-
P.V), theo ông Dương là do thị trường phía Nam có sự cạnh tranh cao giữa các nhà
máy. Thực ra, giá mía có sự liên quan giữa các vùng miền nhưng với điều kiện
trượt giá như năm nay thì Nhà nước khó có thể can thiệp. Tuy nhiên, tinh thần
chung thì Bộ NN-PTNT vẫn có sự chỉ đạo chung là các nhà máy cần phải điều chỉnh
giá hợp lý, đảm bảo đời sống của người trồng mía, trên cơ sở đó để phát triển
vùng nguyên liệu cho chiến lược lâu dài…Theo hạch toán của nông dân trồng mía
tại tỉnh Thanh Hóa trong niên vụ này, với giá thu mua hiện tại cùng với việc
mạnh dạn đưa cây mía xuống ruộng và áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng
suất thì thu nhập từ cây mía dư sức đạt trên 50 triệu đồng/ha. Vấn đề hiện nay
chỉ còn là việc các địa phương bố trí chuyển đổi như thế nào để phát triển vùng
nguyên liệu bền vững.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Hưng Quốc:
Nâng thu nhập từ trồng mía 50 triệu đồng/ha là không khó. Theo
tôi phải sớm triển khai các giải pháp sau: Thứ nhất tăng năng suất bằng cách
nhân nhanh giống đang có năng suất trên 100 tấn/ha và chữ đường 15 CCS như Quế
đường 93; 94-119; 94-116 cho các vùng miền phù hợp để thay thế giống cũ. Nếu
không đủ phải tiếp tục nhập về. Thứ hai là phải bón phân vi sinh. Thứ ba là đưa
nhanh mía xuống ruộng thế chân lúa năng suất thấp trước đây. Thứ tư là xen đậu
tương và lạc với mía vừa tăng năng suất mía vừa cải tạo đất, có thể tăng thêm 50
kg đậu tương/sào. Muốn vậy, trước mắt phải nâng giá mua mía phù hợp với giá
đường bằng cách nhà máy bỏ tiền ra đầu tư trước cho nông dân chuyển đổi giống và
áp dụng các biện pháp tiến bộ thâm canh. Nếu như Chính phủ chấp nhận đề xuất của
Hiệp hội cho nhập 200.000 tấn đường năm nay nhân với giá thấp nhất là 400 USD/
tấn thì coi như chúng ta mất đi 80 triệu USD- bằng cả kim ngạch xuất khẩu ngành
chè một năm, trong khi cái này chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được trong
tầm tay…
Theo ông Đỗ Khắc Ngữ, chuyên viên Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT),
trong 4 năm gần đây diện tích trồng mía trong nước liên tục giảm nên đã có 8 nhà
máy phải đóng cửa tìm phương án di dời. Ông Ngữ khẳng định, nếu tình hình sản
xuất mía nguyên liệu không sớm được cải thiện thì vụ ép sắp tới và trong các năm
tiếp theo sẽ ngày càng trầm trọng. Phân tích nguyên nhân diện tích mía giảm, các
tỉnh cho rằng do nhiều năm giá đường thấp đã kéo theo giá thu mua mía xuống nên
người dân bỏ mía sang trồng các loại cây khác. Thậm chí cho đến thời điểm này,
giá bán đường đã lên cao nhưng nhiều nhà máy vẫn chưa nâng giá thu mua tương
xứng nên người trồng mía không mấy thiết tha. Đặc biệt là chưa xây dựng được
chính sách gắn kết lợi ích của người trồng mía với lợi nhuận từ chế biến và kinh
doanh đường. Mặt khác, 50% diện tích các giống mía trồng phổ biến hiện nay đều
là giống cũ, năng suất và chất lượng thấp không đảm bảo thu nhập, trong khi các
giống mới tốt hơn nhiều thì lại khó nhân rộng do chưa được công nhận nên lượng
giống nhập về qua khảo nghiệm rất hạn chế. Vậy khuyến khích người trồng mía
chuyển đổi bằng cách nào? Ông Ngữ dẫn chứng cách làm của Cty Mía đường Lam Sơn
(Thanh Hóa) vì đơn vị này vừa áp dụng chính sách bán cổ phần cho nông dân nên
lợi nhuận từ chế biến rất gắn bó với người trồng mía. Với khâu giống, Cty này
khuyến khích nông dân bằng cách mua theo chữ đường. Cụ thể nếu mía 10 CCS là giá
400 đồng/kg nhưng tăng lên 11 CCS thì cộng thêm 15% và chữ đường càng cao thì
nông dân càng được lợi.
Nguồn: NNVN-bannhanong.vietnetnam.net (24/2/2006)
|