Một cách chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Với 10 hécta đất canh tác, trong đó có 4 hécta
trồng các loại cây có múi (cam, quýt, bưởi) đòi hỏi phải tốn rất nhiều công lao
động nhưng chỉ với 2 người giúp việc, chị Trần Thị Hoàng Thúy, ở tổ 2, xã Cẩm
Đường, huyện Long Thành ,tỉnh Đồng Nai vẫn làm ăn khá hiệu quả.
Trong lần thi trái cây ngon, giống tốt của tỉnh vừa qua, vườn cam của
chị đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) và đang được Trung tâm khuyến nông
chọn theo dõi để nhân giống sau này... Đến thăm trang trại của chị vào lúc vườn
quýt trĩu quả, chúng tôi được chị Thúy giới thiệu, đó là quýt neo chờ bán tết.
Ước tính trong dịp tết này vườn quýt của chị sẽ cho khoảng 7 tấn trái, với giá
quýt mà bạn hàng đến đặt trước 11.000đ/kg như hiện nay thì chị cũng có thu nhập
trên 70 triệu đồng.
Điều đáng nói là chị chỉ có 2 công nhân phụ việc nhưng đã canh
tác đến 10 hécta đất, trong đó 6 hécta điều và 4 hécta cam, quýt, bưởi. Để canh
tác được ngần ấy diện tích, chị Thúy đã phải sắp xếp công việc rất khoa học và
đầu tư trang thiết bị khá đầy đủ. Ngày nào cũng vậy, 4 giờ rưỡi sáng chị đã thức
dậy sắp lịch làm việc trong ngày cho mình và cho người làm. Chị nói, máy móc bây
giờ hiện đại lắm, chỉ cần mình đầu tư ứng dụng tốt và sắp xếp công việc khoa học
thì đỡ tốn công lao động. "Hiện tại ở đây muốn kiếm công lao động rất khó vì hầu
hết lớp trẻ bây giờ đi làm công nhân ở các khu công nghiệp nên chỉ có ứng dụng
khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới hiệu quả" - chị Thúy nói. Được biết, hiện
nay, toàn bộ các khâu từ xịt thuốc, bơm nước đến làm cỏ, bón phân chị đều sử
dụng máy móc.
Chị Thúy hầu như có mặt thường trực ngoài vườn để kiểm tra công
việc và theo dõi sâu bệnh trên cây trồng. Chị ghi chép cẩn thận từng khu vực khi
phát hiện ra bệnh trên cây rồi về giao thuốc, cử người xử lý. Riêng về sâu bệnh,
chị Thúy cho biết, nhờ ứng dụng IPM khá tốt cho vườn cây nên chị chỉ phòng bệnh
là chủ yếu, chứ rất ít khi phải chữa bệnh. Chính nhờ thực hiện tốt việc này nên
chị đã giữ được an toàn cho 4 hécta cam, quýt. Vườn quýt của gia đình chị đến
nay đã 8 năm tuổi nhưng trông còn rất sung. Đó không phải do chị sử dụng phân
nhiều mà là nhờ chị không cho cam, quýt ra trái đồng loạt vào bất cứ vụ nào mà
cho ra rải đều trong năm nên trong vườn lúc nào cũng có quýt bán và kéo dài được
tuổi thọ cho cây.
Điều đặc biệt là vườn cam, quýt của chị Thúy được trồng theo
hình chữ ngũ, chứ không thẳng lối ngay hàng như những vườn quýt nơi khác. Giải
thích về kiểu trồng khá lộn xộn này, chị Thúy cho biết đó là một cách để chị
chuyển đổi từ trồng bắp, đậu sang mãng cầu, nhãn, rồi phát triển cây có múi và
dự định sau quýt sẽ là vườn điều thay thế. Cây này chưa tàn thì chị lại xen cây
khác vào giữa để luôn luôn lúc nào trong vườn cũng có cây cho thu hoạch. Chị
Thúy tâm sự: "Vùng mình chưa có quy hoạch cụ thể cho từng loại cây nên thấy cây
gì trồng có ăn là chỉ 1 thời gian sau là người dân ồ ạt chuyển sang trồng cây
đó, nếu không tính kịp sẽ bị thất bại ngay". Hiện nay, mỗi năm vườn cam, quýt
của chị Thúy cho thu hoạch khoảng 40 tấn trái, thu nhập tương đương 200 triệu
đồng/năm. Cùng với thu nhập từ quýt, chị còn có 6 hécta điều, trong đó có 2
hécta đang cho trái (năm vừa qua thu được 50 triệu đồng) và 4 hécta còn lại cũng
sắp được thu hoạch trong những năm tới...
Nguồn:ĐNOL-bannhanong.vietnetnam.net (24/2/2006)
|