Thái Bình:Thái Thụy tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Trong nhiều năm gần đây, huyện Thái Thụy - Thái
Bình luôn dẫn đầu tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện toàn huyện
đã chuyển được hơn 3.000 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy
hải sản và làm trang trại tổng hợp, đem lại hiệu quả gấp 7 đến 8 lần so với
trước chuyển đổi.
Hiện toàn huyện có gần 1.900 ha đạt giá trị sản xuất 50 triệu
đồng/năm, dẫn đầu toàn tỉnh. Đặc biệt, 2 xã Thụy An và Thụy Trường có 100% diện
tích đất canh tác đạt giá trị sản xuất bình quân 50 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Sản xuất vụ đông hàng hóa đã trở thành tập quán và tư duy sản xuất kinh doanh
của từng hộ dân trong huyện Thái Thụy.
Mô hình hàng năm trồng 2 vụ lúa và vụ đông đã được khẳng định
bởi sự phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, trung bình mỗi ha trồng luân canh
tăng vụ ở đây đã mang lại giá trị 38 triệu đồng, gấp 3 lần so với cấy lúa. Công
thức luân canh rau màu xuất khẩu ở xã Thụy An mang lại thu nhập cho nông dân hơn
80 triệu/ha... Hiện trong huyện đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa
tập trung tại các xã Thụy An, Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Ninh... Hầu hết hàng
hóa sản xuất ra được 2 công ty Vạn Đạt và Châu Á Thái Bình Dương (Hải Phòng) ký
hợp đồng bao tiêu sản phẩm... Ngoài ra, huyện chuyển đổi được gần 2.000 ha diện
tích làm muối và trồng lúa kém hiệu quả ở các xã ven biển sang nuôi trồng thủy
sản đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Khi chúng tôi tới thăm xã Thái Đô được chứng kiến cảnh nông dân
đang tất bật đào đắp, xây bờ, lấy nước mặn vào chuẩn bị nuôi tôm vụ xuân hè. Cả
một vùng rộng lớn gần 500 ha phía trong đê lâu nay bị nhiễm mặn cấy lúa cho năng
suất thấp của xã nay đã dần trở thành những "cánh đồng nuôi tôm" mang lại giá
trị hơn 130 triệu đồng/ha, gấp hơn 4 lần trồng lúa...
Ông Phạm Hữu Thoại - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn huyện Thái Thụy cho biết: Trước đây, toàn huyện có tới 60% đất bị
nhiễm chua mặn, 5.000 ha nằm trong vùng úng trũng nội đồng, 4000 ha cao dần về
phía biển... Huyện xác định muốn có năng suất cây trồng cao phải tìm một hướng
đi phù hợp điều kiện tự nhiên, nên đã đồng loạt thực hiện công cuộc chuyển đổi
cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi. Hiện toàn huyện đã chuyển đổi được gần 100%
diện tích cấy lúa dài ngày bằng các giống lúa ngắn ngày. Vì thế, tốc độ tăng
năng suất là một trong những huyện cao nhất tỉnh, đạt gần 13 tấn/ha/năm. Đánh
giá về vấn đề này, bà Ngô Thị Mịn- Phó chủ tịch UBND huyện Thái Thụy nói: "Trong
những năm qua, huyện đã tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật
nuôi; đã khai thác được tiềm năng đất đai có hiệu quả, nâng giá trị sản xuất
bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác đạt gần 38 triệu đồng/ha/năm, cao
nhất tỉnh".
Tuy nhiên, nông, ngư dân trong huyện Thái Thụy hiện đang gặp
nhiều khó khăn, bởi giá thành các sản phẩm nông, thủy sản của huyện còn cao.
Phần lớn số sản phẩm chưa có nơi tiêu thụ ổn định vì thiếu cơ sở chế biến... đòi
hỏi các cấp, các ngành trong huyện cần sớm tháo gỡ trong thời gian tới.
Nguồn:KNQG-bannhanong.vietnetnam.net (23/2/2006)
|